Kết nối thủy bộ
(BDO) Là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ, nhu cầu vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương không ngừng tăng cao. Với lưu lượng hàng hóa lớn, vận tải đường bộ quá tải dẫn đến kẹt xe, nhất là ở các cửa ngõ chính của tỉnh. Để giải quyết “điểm nghẽn” giao thông, tạo đà phát triển kinh tế, trong những năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng.
Bên cạnh giao thông đường bộ, tỉnh còn quan tâm quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa để phát triển vận tải đường thủy, khai thác tiềm năng của các con sông Sài Gòn, Đồng Nai... Vận tải đường thủy phát triển sẽ góp phần giảm tải cho đường bộ, giải phóng hàng hóa cho doanh nghiệp và còn giải quyết nhiều vấn đề liên quan khác. Vì vậy, hệ thống cảng, bến thủy nội địa của tỉnh đã được quy hoạch và phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch quốc gia, bảo đảm tính kết nối giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển.
Theo quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Chính phủ, tỉnh Bình Dương thuộc quy hoạch phát triển cảng cạn trên các hành lang vận tải khu vực kinh tế TP.Hồ Chí Minh (trong Vành đai 4) và hành lang vận tải Đắk Nông - Bình Phước - TP.Hồ Chí Minh. Theo quy hoạch, tỉnh sẽ phát triển hệ thống cảng cạn trên địa bàn các thành phố: Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát và huyện Dầu Tiếng. Các cảng này sẽ kết nối giao thông - vận tải giữa đường bộ với các cảng biển ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh. Hệ thống cảng cạn của tỉnh cũng đã được quy hoạch kết nối hầu hết với các khu công nghiệp trên địa bàn, sẽ tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín. Như vậy, khi các cảng được phát triển hoàn thiện sẽ tạo ra một hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, hiệu quả cao, giảm chi phí logistics, thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong tỉnh cũng như trong vùng Đông Nam bộ.
Kết nối giao thông thủy bộ liên vùng sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư; góp phần giải quyết việc làm cho người dân, chuyển dịch cơ cấu lao động... Song song đó, giảm bớt áp lực trong vận tải đường bộ cũng như tiết kiệm các chi phí về nâng cấp, bảo trì. Khi các cảng đường sông có khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải lớn như An Sơn, An Tây, Thanh An, Thạnh Phước... đi vào hoạt động, giao thông thủy sẽ nhộn nhịp và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của tỉnh nhà.
K.TÂN