Kết nối sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu
(BDO) Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN) trong việc duy trì xuất khẩu, ngành công thương đã và đang tập trung hỗ trợ DN kết nối sản xuất, mở rộng thị trường.
Hoạt động sản xuất tại Công ty giày Đông Hưng
Nỗ lực xuất khẩu
Những tháng đầu năm 2020 tình hình xuất nhập khẩu của cả nước gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát khắp thế giới. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của DN, cộng với sức “đề kháng” được chuẩn bị từ trước, sự hỗ trợ sát sao của chính quyền địa phương, các ngành hàng chủ lực của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng.
Tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 4 đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, đó cũng là tình trạng chung của thương mại quốc tế và khu vực. Điều đáng mừng là so với năm 2019, kim ngạch vẫn có số dương ấn tượng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 4-2020 ước đạt 2 tỷ 64 triệu USD, giảm 4,8% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8 tỷ 2 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước 1.372,4 triệu USD tăng 3,6%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 6.630,3 triệu USD tăng 5,8%.
Điều đáng ghi nhận là các mặt hàng xuất khẩu chủlực vẫn có những con số tăng ấn tượng nhờ đòn bẩy từ kinh tế trong quý 1. Trong đó, sản phẩm gỗ tháng 4-2020, ước đạt 255,5 triệu USD, tăng 4,7% so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 924,5 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 11,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Dịch bệnh Covid-19 đã tác động kép tới ngành dệt may Việt Nam. Nếu ngay từ tháng đầu tiên của năm, DN thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất thì từ giữa tháng 3 đến nay, DN lại rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng do đối tác tại thị trường Mỹ và châu Âu hoãn, hủy đơn hàng. Tuy nhiên với sự nỗ lực vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 4-2020 ước đạt 211,2 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 777,8 triệu USD, tăng 4,1% so với tháng trước, chiếm tỷ trọng 9,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên các DN dệt may cũng cho biết sang tháng 5 và tháng 6-2020, dệt may Việt Nam chưa có dấu hiệu cải thiện, DN vẫn phải tập trung ứng phó, tìm giải pháp duy trì việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động.
Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ và EU, đặc biệt là tổng cầu của thế giới dự kiến giảm khoảng 25% thì ngành giày da sẽ có một năm giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, trong tháng 4 kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này ước đạt 264,6 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 951,4 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 11,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặt hàng gốm sứ tháng 4-2020 vẫn tiếp tục tăng nhẹ, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,7 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 47,0 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Đa dạng hóa thị trường
Theo Sở Công thương, nhằm phòng ngừa rủi ro do mất cân đối xuất khẩu, nhập khẩu ở một số địa bàn và để đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường, thời gian qua sở đã tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu. Sở cũng đã nỗ lực kết nối, thông tin đến các Thương vụ/ Chi nhánh Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài để nắm nhu cầu hàng hóa ở từng thị trường sở tại. Trên cơ sở đó, sở cung cấp thông tin ngược lại để tập hợp, phân loại và kết nối với các hiệp hội, DN.
Sở Công thương nhận định với nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết tham gia hứa hẹn sẽ đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường, nhất là lĩnh vực xuất khẩu. Sở Công thương cho rằng trên nền tảng có sẵn cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, lĩnh vực xác định trọng tâm là công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Về thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, sau khi cụ thể hóa văn bản pháp luật về các FTA , Sở Công thương sẽ phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... Với nhiều hình thức, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh việc phổ biến cho DN trong tỉnh nắm được lộ trình cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại cũng như hướng dẫn tìm hiểu cam kết về thuế quan, dịch vụ, quyền kinh doanh và đầu tư, mua sắm để DN định hướng, xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp, phát triển đúng hướng
TIỂU MY