Kết nối sản phẩm Việt với chuỗi bán lẻ hiện đại

Thứ năm, ngày 29/10/2020

(BDO)  Xác định kích cầu thị trường nội địa là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), khôi phục tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, ngành công thương đẩy mạnh triển khai nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ DN, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm.

 Khách hàng lựa chọn sản phẩm trưng bày tại siêu thị Aeon

 Tạo dựng chuỗi cung ứng

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương), trong “trạng thái bình thường mới”, trung tâm đã và đang triển khai nhiều giải pháp trong các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ DN nhanh chóng phục hồi, phát triển mới chuỗi cung ứng, mở rộng quan hệ đối tác gắn với tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại. Đợt trưng bày giới thiệu sản phẩm ngành hàng truyền thống thủ công, mỹ nghệ Bình Dương cuối tháng 10 là cơ hội để các DN mới chuyên sản xuất các mặt hàng này trưng bày, giới thiệu trong không gian siêu thị Aeon.

Đưa hàng hóa vào siêu thị Aeon là tiền đề khá quan trọng, là cơ hội để các DN có thêm đầu ra ổn định, nâng cao thương hiệu sản phẩm của tỉnh, đồng thời góp phần đưa sản phẩm từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao giá trị, gắn sản xuất với thị trường. Ngay khi vừa khai trương, khu trưng bày đã thu hút được rất đông khách đến tham quan và mua sắm. Theo ông Đinh Công Thiệu, chủ cơ sở sơn mài Đinh Thiệu (phường Chánh Nghĩa), đây là lần thứ 3 ông tham gia trưng bày tại hệ thống siêu thị Aeon. Hai lần trước, doanh số bán hàng rất tốt, sản phẩm sơn mài truyền thống có khách riêng. Đem đến hội chợ năm nay ông Thiệu chọn những sản phẩm được đầu tư công phu, đặt nhiều kỳ vọng lớn cho sự trở lại của khách hàng nội địa khi xu hướng đang quan tâm trở lại nhiều hơn đến sơn mài.

Đại diện Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc cũng cho biết, những lần tham gia trưng bày tại Aeon doanh số bán hàng đều đạt rất cao. Công ty đã có sự đầu tư rất lớn trong khâu nghiên cứu thị trường, liên kết với các trường chuyên ngành mỹ thuật để thiết kế, trang trí… tạo ra những sản phẩm “đẹp, độc, lạ”, hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay. Công ty cũng đưa ra giá cả phù hợp để sản phẩm đến được với đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ.

Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp tiếp tục thực hiện các chương trình kết nối, tiêu thụ sản phẩm địa phương; đẩy mạnh hướng dẫn, thông tin đến các DN, cơ sở có sản phẩm hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ thẩm định để nhanh chóng đưa sản phẩm vào bày bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị.

Ngoài ra, ngành công thương sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tuyên truyền, quảng bá và kết nối hàng hóa, sản phẩm vào các hệ thống bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, kết nối tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, các DN Việt Nam sau dịch bệnh thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Kích thích tiêu thụ nội địa

Thị trường nội địa giúp DN đứng vững trong khó khăn sau dịch bệnh Covid-19, nâng cao giá trị sản phẩm, giành được niềm tin từ các “thượng đế”, nắm lợi thế cạnh tranh so với hàng ngoại nhập. Dù người dân giảm chi tiêu nhưng nhóm hàng thiết yếu vẫn tăng trưởng. Trong bối cảnh xuất khẩu dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn do dịch bệnh, nhiều DN trong nước đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng, dồn lực đầu tư các dòng sản phẩm mới, phù hợp sức mua từng địa bàn để tăng doanh số thị trường nội địa. Các DN, cơ sở sản xuất cũng tận dụng cơ hội từ các hoạt động xúc tiến thương mại do địa phương tổ chức. Bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan quản lý, các DN, cơ sở sản xuất tham gia ý thức rõ việc phải có sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, dịch vụ sau bán hàng tốt... để nâng tầm hàng Việt, chiếm lĩnh thị trường.

Theo chị Trương Thị Thúy Diễm, chủ cơ sở sơn mài Thùy Vân: “Cơ sở thiên về sản phẩm sơn mài ứng dụng nên luôn nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để sản xuất gắn với nhu cầu. Những tháng cuối năm, hoạt động kinh tế - xã hội đã bắt đầu trở lại bình thường, mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng trở lại. Điều rất may mắn là khách hàng tiêu dùng trong nước đã quay trở lại với sơn mài. Đây thực sự là động lực lớn của các cơ sở sơn mài gắn bó lâu năm với nghề…”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng khó khăn lớn nhất của các DN Việt Nam vào thời điểm này vẫn là thị trường tiêu thụ. Do đó, ông Lộc đề nghị phát động những tháng cao điểm, ít nhất từ nay đến cuối năm, phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, để tiếp sức cho DN Việt.

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, để có thể chinh phục người tiêu dùng trong nước, các DN, cơ sở cần nắm bắt được đúng thị hiếu, nhu cầu của từng đối tượng, khu vực khách hàng. Đồng thời, cải tiến mẫu mã, cơ cấu lại khâu sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh tăng trưởng cho thị trường trong nước.

 TIỂU MY