Kết nối những trái tim mộ điệu đờn ca tài tử, cải lương

Thứ hai, ngày 14/09/2020

(BDO) Hấp dẫn, ý nghĩa, lôi cuốn, đậm đà, chứa chan cảm xúc... là những chia sẻ của khán giả yêu thích chương trình “Truyền dạy đờn ca tài tử và cải lương” trên sóng BTV1 của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương. Chương trình đã giúp kết nối những trái tim đồng điệu về âm nhạc dân tộc.


Đội ngũ thực hiện chương trình “Truyền dạy đờn ca tài tử và cải lương”

Cứ vào mỗi tối chủ nhật, qua màn ảnh nhỏ, trên sóng BTV1, anh Nguyễn Văn Hai (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An) lại đón xem chương trình “Truyền dạy đờn ca tài tử và cải lương”. Với anh Hai, hình ảnh cô Kim Loan, thầy Nhất Dũng cùng ban đờn và các học viên miệt mài học tập những bài bản của âm nhạc ngũ cung thật đẹp và mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Theo anh Hai, đây là chương trình thiết thực với bản thân nói riêng và với những người mộ điệu đờn ca tài tử nói chung. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lộc Nghĩa, biên tập viên chương trình “Truyền dạy đờn ca tài tử và cải lương”, cho biết với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đã thực hiện chương trình này. Sau 2 năm kể từ ngày phát sóng (tháng 7-2018), chương trình đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả gần xa cùng nhiều ý kiến đóng góp xây dựng chương trình ngày càng chất lượng hơn.

Chương trình có sự tham gia giảng dạy đầy tâm huyết của cô Kim Loan và thầy Nhất Dũng là nhà giáo ưu tú và nghệ sĩ ưu tú có kinh nghiệm giảng dạy trên 30 năm của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh. Cùng tham gia còn có các học viên là những sinh viên có những kiến thức cơ bản về lồng bản tài tử và cải lương cùng các thành viên ban nhạc là giáo viên - nhạc công của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh. Với những người thực hiện chương trình, đây không chỉ là công việc đơn thuần mà còn là trách nhiệm, tâm huyết muốn giữ gìn và chia sẻ những kiến thức chính quy từ cơ bản đến nâng cao của nghệ thuật đờn ca tài tử. Vì thế những bài bản về lồng bản hò, xự, xang, xê, cống rất chuẩn. Kiến thức từ cơ bản đến nâng cao đều nằm trong giáo án, giáo trình sư phạm của nhà trường. Qua đó, khán giả, người mộ điệu có điều kiện tìm tòi, học hỏi và có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

Ngoài “Truyền dạy đờn ca tài tử và cải lương”, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương còn có chương trình “Tìm hiểu đờn ca tài tử và cải lương” do thạc sĩ, NSƯT Huỳnh Khải đến từ Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh phụ trách. Các thành viên tham gia chương trình đều là những nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ đã đạt nhiều thành tích và giải thưởng cao trong các hội thi, hội diễn lớn trong cả nước. Với bài hát ca ngợi về quê hương Bình Dương, cảnh đẹp thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước và con người Việt Nam... những giai điệu ngũ cung cứ thế ngân nga, lan tỏa những hơi ấm của bộ môn nghệ thuật di sản.

Với sự quan tâm của các ngành, các cấp, sự cộng tác nhiệt tình của đội ngũ thực hiện, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đã đi đầu trong nước với mô hình lưu giữ và truyền dạy đờn ca tài tử. Đây là chương trình được thực hiện mang tính khoa giáo, sư phạm, rất thuận lợi cho việc quảng bá và độc quyền. Thông qua hai chương trình này, khán giả gần xa, những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này có điều kiện hiểu rõ, nắm vững hơn về những kiến thức cơ bản cho đến nâng cao trong lĩnh vực đờn ca tài tử và cải lương.

Trong 2 năm (2018-2019), Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đã thực hiện 24 chương trình “Truyền dạy đờn ca tài tử và cải lương” và 52 chương trình “Tìm hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương”. Với những kết quả và sự yêu mến của khán giả dành cho chương trình, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện 12 chương trình “Truyền dạy đờn ca tài tử và cải lương” và 26 chương trình “Tìm hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương” đến cuối năm 2020.

 THỤC VĂN