Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
(BDO) Đón cơ hội từ “làn sóng” dịch chuyển
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh khẳng định thông qua hội thảo lần này Bình Dương mong muốn sẽ góp phần làm rõ hơn những xu hướng chuyển dịch, cơ hội và thách thức của các DN trong hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, đồng thời là cầu nối cho các DN, hiệp hội gặp gỡ, kết nối, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trên thực tế, đón đầu sự chuyển dịch chuỗi cung ứng cũng đồng nghĩa với việc hiện thực hóa sức mạnh nội sinh, nâng tầm sức mạnh của DN. Ông Phil Kyun Choi, đại diện khối DN Hàn Quốc, cho rằng thời điểm này là thời cơ cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng. Các DN cần đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp chuyên ngành, nguồn nhân lực, công nghệ và hoàn thiện mạng lưới logictics…
Các chuyên gia, nhà đầu tư trao đổi các vấn đề đặt ra hội thảo. Ảnh: TIỂU MY
Đại diện cho DN “đầu tàu”, ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries, thuộc Tập đoàn THACO) cho rằng THACO Industries sẵn sàng liên kết, hợp tác với các DN vừa và nhỏ trong nước để chia sẻ về thị trường, đơn hàng, nguồn nhân lực, công nghệ và quản trị… Qua đó, phối hợp sản xuất, kinh doanh, cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Bình Dương, với 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và trên 58.000 DN trong nước, qua thời gian hoạt động và phát triển, liên kết ngành và chuỗi giá trị trong khu công nghiệp như sản xuất sợi, dệt, nhuộm vải, hoàn thiện sản phẩm vải để sản xuất may mặc, sản xuất phụ tùng, linh kiện xe đạp, nguyên phụ liệu cho sản xuất giày, dép, từng bước hình thành, từng bước tham gia chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, để nâng tầm chuỗi cung ứng, đón chuỗi dịch chuyển, Bình Dương còn rất nhiều vấn đề vướng mắc cần hỗ trợ.
Ông Lai Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng từ năm 2016, trong quy hoạch, kết nối để hỗ trợ DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Bình Dương đang rốt ráo lập quy hoạch tổng thể của tỉnh phù hợp với xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, điều tỉnh trông chờ nhất chính là quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng cùng với các cơ chế, chính sách mới với kỳ vọng tháo gỡ các điểm nghẽn, gia tăng sức mạnh cho đội ngũ DN trong nước nhằm tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cần cơ chế, chính sách sát thực tế
Ông Lê Duy Nhất Luận, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Takako Việt Nam (DN Nhật Bản, KCN VIP I), khẳng định: “Hãy nhìn từ thực tế cơ chế phát triển, cần xem xét là chúng ta đang có gì để đón chuỗi cung ứng. Ưu tiên đón những ngành nghề nào và thực tế trình độ chúng ta tới đâu thay vì nói nhiều về chuỗi cung ứng. Với trình độ, chính sách như hiện nay, rất khó để đón và nâng tầm chuỗi cung ứng. Hiện nay, DN Việt không được ưu đãi về lãi suất, nguồn lực đất đai, tài chính để phát triển nguồn lực, phát triển quản trị. Trên thực tế, kỹ thuật, nguồn lực Việt Nam đều có thể đáp ứng yêu cầu và điều đó được chứng minh qua việc các DN FDI dựa vào nguồn lực Việt Nam để phát triển sản xuất. Tuy vậy DN cần cơ chế, đặc biệt là tiền và đất đai để đầu tư phát triển. Điều này rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành trong các quy định cụ thể”.
Đại diện các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trao đổi bên lề hội hội thảo
Ông Lai Xuân Đạt cho rằng để đón đầu cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Bình Dương không thể đơn thân thực hiện mà là sự phối hợp của các địa phương, bộ, ngành và những quyết sách của Quốc hội, Chính phủ. Bình Dương kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành ban hành văn bản cụ thể hóa Nghị quyết 115 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, để bảo đảm phát triển nhanh, đồng bộ và thực chất. Các bộ ngành liên quan cần ban hành cơ chế ưu đãi về vốn vay để xây dựng các trung tâm/chợ đầu mối nhập khẩu và cung ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với một số ngành hàng mà từng tỉnh có lợi thế nhất định.
Bộ Công thương cần có chính sách, giải pháp hình thành hoặc cải thiện chuỗi liên kết giữa các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa với các DN lớn, các DN trong nước với các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bình Dương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để tham mưu trong hoạch định các chính sách, cách làm nhằm đưa các chủ thể kinh tế xích lại gần nhau, cùng nhau bắt tay gầy dựng chuỗi cung ứng trong thời gian tới.
TIỂU MY