Kết nối câu chuyện gốm sứ xưa và nay…

Thứ tư, ngày 22/05/2019

(BDO) Trưng bày chuyên đề “Gốm sứ Bình Dương truyền thống và hiện đại” được khai mạc vào sáng nay (22-5) sẽ giúp người xem có một cái nhìn khái quát về câu chuyện của gốm sứ Bình Dương xưa và nay. Hàng ngàn năm qua, dưới bàn tay, công sức của người thợ, gốm sứ vẫn hiện diện trong từng ngôi nhà và ghi lại câu chuyện của thời gian, của con người...


Các sản phẩm gốm sứ được trưng bày tại triển lãm

Sản phẩm gắn liền vùng đất Bình Dương

Mục đích của triển lãm gốm sứ 2019 để giới thiệu, giúp công chúng hiểu rõ hơn về nguồn gốc, quá trình phát triển của gốm sứ Bình Dương qua các thời kỳ, quảng bá hình ảnh gốm sứ Bình Dương đến với khách tham quan. Bên cạnh đó còn cổ vũ việc bảo vệ, phát huy giá trị làng nghề truyền thống ở Bình Dương. Sản phẩm gốm sứ cũng nói lên giá trị chứa đựng trong nó vừa vật chất lẫn tinh thần và còn tái hiện bức tranh lịch sử, văn hóa của đất và người Bình Dương.

Theo ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, có gần 450 hiện vật gốm sứ truyền thống và hiện đại, có 12 gian hàng với hiện vật gốm được tập trung vào hai chủ đề chính: Gốm sứ trong đời sống vật chất và gốm sứ trong đời sống tinh thần được trưng bày trong dịp này. Vị trí trưng bày tại khu vực sảnh, hành lang nhà trưng bày bảo tàng và khu vực sân bảo tàng. Trong đó, khu vực trưng bày chuyên đề bên trong nhà Bảo tàng tỉnh áp dụng thủ pháp mỹ thuật trưng bày các hình ảnh tư liệu trên mặt đứng (vách) và hiện vật được bố trí trên bệ trong tủ kính để khách tham quan dễ dàng chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Triển lãm bao gồm: Tổng quan về gốm sứ Bình Dương (bảng trích, ảnh lò lu Đại Hưng), hình ảnh về gốm sứ Bình Dương, các sản phẩm, tác phẩm đặc sắc của gốm sứ Bình Dương. Một gian hàng thể hiện trực tiếp một vài công đoạn làm gốm cũng được đặt ở đây để khách tham quan trải nghiệm cảnh làm gốm.

Trưng bày triển lãm còn bảo đảm tính khoa học, tính chính xác và tính hệ thống. Hiện vật được lựa chọn là hiện vật gốc, có thông tin rõ ràng, đồng thời phải là hiện vật đặc trưng, tiêu biểu của các dòng gốm của Bình Dương.

Từ truyền thống đến hiện đại

Theo anh Hồ Minh Thiện, Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền, đây là đợt triển lãm gốm sứ có quy mô lớn, hiện vật phong phú cho câu chuyện kể gốm sứ từ các di chỉ khảo cổ 3.500 năm trước đến gốm sứ hiện nay. Có một dòng chảy không hề bị ngắt quãng của gốm sứ Bình Dương mà nay vẫn còn tên tuổi, như dòng gốm sứ của những năm 1930 đến gốm sứ Thành Lễ, các vùng làm gốm nổi tiếng trong ngoài nước, như: Lái Thiêu (TX.Thuận An), Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một).

Thời gian tổ chức triển lãm gốm sứ từ ngày 22-5 đến 22-6 tại Bảo tàng tỉnh (số 565 đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một). Các doanh nghiệp gốm sứ cũng triển lãm sản phẩm rất phong phú trong dịp này.

Chế tác ra đồ gốm là một trong những phát minh lớn của loài người trong thời tiền sử. Hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới đều lần lượt làm ra được loại đồ dùng rất quan trọng này để đựng đồ ăn thức uống vàsau đótừng bước cải tiến, sáng tạo thêm nhiều loại hình mới. Từ công dụng ban đầu là đồ dùng bảo quản thực phẩm, đồ gốm ngày càng mở rộng sang các lĩnh vực như: Xây dựng, tôn giáo, tín ngưỡng, mỹ thuật, cho đến các ngành công nghiệp như điện, đồng hồ, chế tạo máy… Tuy khác nhau về kiểu dáng, hoa văn trên từng sản phẩm gốm, song đồ gốm ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho con người, nâng cao chất lượng cuộc sống vàđiều thú vị là phần lớn các loại đồ gốm đã thực sự trở thành những di vật lịch sử, văn hóa hoặc tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Cũng theo anh Thiện, với sản phẩm gốm sứ Bình Dương, các hiện vật gốm đã được tìm thấy trong di chỉ khảo cổ Cù Lao Rùa có niên đại từ 3.500 năm đến 3.000 năm cách ngày nay. Theo chiều dài của lịch sử, ở mỗi giai đoạn nghề gốm và sản phẩm gốm đều mang trên mình những dấu ấn lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và sự sáng tạo của đất và người Bình Dương. “Thời vàng son” của gốm Bình Dương có thể kể đến đầu những năm 1960, Bình Dương nổi tiếng với thương hiệu Thành Lễ mang phong cách mỹ thuật hiện đại, tiệm cận với nghệ thuật toàn cầu, đã chinh phục được những thị trường khó tính như Pháp, Mỹ, Đức… Sự sáng tạo và đột phá của phong cách Thành Lễ đã giúp gốm sứ Bình Dương vươn mình ra thế giới.

Vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, gốm sứ Bình Dương bước vào thời kỳ công nghiệp hiện đại, đổi mới công nghệ - kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ quốc tế, nổi bật là gốm sứ Minh Long đại điện cho dòng sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ cao cấp được người tiêu dùng trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích. Giá trị lịch sử, văn hóa của gốm sứ Bình Dương còn được kể đến như được chọn để tổ chức Festival Gốm sứ Bình Dương năm 2010 chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với sản phẩm bộ trà “Hồn Việt”, được chọn làm quà tặng cho các hội nghị trong nước và quốc tế…

Nghề gốm không chỉ làm ra của cải vật chất góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương, mà còn thể hiện nét văn hóa, lịch sử truyền thống đặc sắc của các thế hệ cư dân sinh sống trên vùng đất Bình Dương. Càng tự hào về ngành nghề này, chúng ta càng mong cho việc bảo tồn nghề truyền thống tiếp tục được quan tâm, duy trì dài lâu và phát triển bền vững.

Về phân loại gốm có 2 nội dung: Gốm sứ trong đời sống vật chất của con người gồm các loại đồ đựng trong sinh hoạt của con người (bình, hũ, thố, bát, đĩa...); gốm sứ trong đời sống tinh thần của con người có gốm trang trí, tượng thờ trong tín ngưỡng dân gian, đồ dùng trong đời sống tri thức.

QUỲNH NHƯ