Kéo giảm tai nạn giao thông trong những tháng cuối năm
(BDO) Bài 1: Tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí
Để tình hình giao thông được an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân vào dịp cuối năm; kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường quán triệt, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Tình hình giao thông diễn biến phức tạp
Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo báo cáo từ Ban ATGT tỉnh, TNGT tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Trước thực trạng trên, để kéo giảm TNGT trong những tháng còn lại trong năm, rất cần sự nỗ lực của các cơ quan, ban ngành và địa phương.
Lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp Thanh tra giao thông tuần tra, kiểm tra các xe tải trên địa bàn huyện Phú Giáo để chủ động phát hiện, xử lý vi phạm. Ảnh: THANH QUANG
Theo UBND tỉnh, trong 9 tháng năm 2023, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân tăng cao, lưu lượng phương tiện tăng mạnh; bên cạnh đó là ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của một bộ phận người dân chưa tốt, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm… đó chính là nguyên nhân chủ yếu khiến tình hình ATGT tại Bình Dương vẫn còn diễn biến phức tạp; so với cùng kỳ năm trước, số vụ TNGT tăng 16,74%; số người chết tăng 29,11%; số người bị thương tăng 8,92%.
Tăng cường tuyên truyền về ATGT Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh, qua đánh giá TNGT xảy ra do ý thức của một số người khi tham gia giao thông chưa cao, do đó cần kiên trì, tích cực xây dựng văn hóa giao thông cho người dân; đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, trật tự đô thị theo hướng thay đổi hành vi để giảm các vi phạm. Song song đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên mạng xã hội và hạ tầng số; lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường. |
Ngoài việc tình hình TNGT tăng 3 tiêu chí thì tình hình ùn tắc giao thông cục bộ do nguyên nhân tai nạn, phương tiện hư hỏng trên đường, đèn tín hiệu giao thông không hoạt động vì mất điện và ngập nước cục bộ trên đường khi xảy ra mưa lớn, triều cường… chưa được xử lý dứt điểm, ảnh hưởng đến tình hình trật tự ATGT và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, các thành viên Ban ATGT tỉnh, UBND huyện, thị, thành phố về việc tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm trật tự, ATGT.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm của tỉnh nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong tổ chức, điều hành, giám sát giao thông, đẩy mạnh phát triển giao thông thông minh.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) duy trì thường xuyên việc tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề, nhất là chuyên đề về kiểm soát nồng độ cồn, kiểm soát tải trọng xe; các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông đại chúng đối với tình hình vi phạm pháp luật về trật tự ATGT…
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: QUỲNH ANH
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức
Thượng tá Nguyễn Anh Kiệt, Trưởng phòng CSGT (PC08) Công an tỉnh, cho biết trong những tháng đầu năm 2023, PC08 đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành nhiều công văn chỉ đạo, triển khai các kế hoạch, cao điểm về ATGT và đã thu được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, số liệu TNGT tăng cả 3 tiêu chí. Qua phân tích, các vụ tai nạn xảy ra giữa xe mô tô và ô tô chiếm 49%; xe mô tô gây tai nạn chiếm tỷ lệ 63,5%. Thời gian xảy ra tai nạn từ 18 giờ đến 24 giờ chiếm tỷ lệ 36,79%; độ tuổi từ 27 đến 40 tuổi chiếm 27,42%. Giới tính của người gây TNGT là nam giới chiếm gần 71%. Trong đó, các lỗi phổ biến gây tai nạn là không chú ý quan sát, chuyển hướng không bảo đảm an toàn, đi không đúng phần đường, làn đường…
Phân tích nhiều vụ tai nạn, nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người tham gia giao thông vẫn chưa cao, cộng với tâm lý chủ quan khi tham gia giao thông. Mặt khác, do đặc thù là tỉnh phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng cơ học về dân số, thêm vào đó phần lớn công nhân và lao động tự do từ các tỉnh khác đến sinh sống và làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, trong khi ý thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn còn thấp.
Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở cũng ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự ATGT. Một số điểm, đoạn tuyến khi trời mưa lớn cùng với triều cường gây ngập nước cục bộ đã ảnh hưởng đến hoạt động giao thông. Ngoài ra, lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông còn mỏng so với địa bàn và số lượng phương tiện, đồng thời phải bố trí trực các chốt để điều tiết, hướng dẫn phân luồng giao thông nên ảnh hưởng đến công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.
(Còn tiếp)
QUỲNH ANH - VĂN CHÂU