Cục Thuế Bình Dương:

Kế hoạch quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu bằng giải pháp niêm phong đồng hồ đếm tổng của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Dương

Thứ năm, ngày 23/02/2017

(BDO) Theo  Công  văn  số  12733/BTC-TCT ngày 13-9-2016 Bộ Tài chính gửi UBND tỉnh Bình Dương và Kế hoạch số  404/KH-UBND  ngày  10-2-2017 về “Kế hoạch quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu bằng giải pháp niêm phong đồng hồ đếm tổng của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Dương” (gọi tắt là kế hoạch) với nội dung chủ yếu sau:

Mục  đích  của  kế  hoạch: Tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, ngăn ngừa hành vi nhập lậu, trôi nổi, không bảo đảm chất lượng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp đối với người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Ngăn chặn trường hợp mua - bán hàng hóa xăng dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc; quản lý chặt chẽ lượng xăng, dầu thực tế kinh doanh tiêu thụ làm căn cứ khai, nộp thuế đúng quy định, chống gian lận, thất thu ngân sách. Chống tiêu cực trong việc mua, bán hóa đơn, nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật và gắn trách nhiệm có tính bắt buộc đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trong việc cung cấp hóa đơn khi bán hàng cho người tiêu dùng.

Triển khai kế hoạch: Đoàn công tác  liên  ngành  do  chủ  tịch  UBND huyện, thị, thành phố trực thuộc quyết định thành lập, với thành phần gồm cán bộ công chức thuộc các đơn vị: Chi cục Thuế, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (hoặc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), Chi cục Quản lý thị trường (hoặc các Đội Quản lý thị trường) và lực lượng công an xã, phường, thị trấn nơi có cơ sở kinh doanh xăng dầu; trong đó Chi cục trưởng Chi cục Thuế làm trưởng đoàn công tác. Thông báo bằng văn bản đến tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn được phân công trong thời gian ít nhất 5 (năm) ngày trước khi thực hiện niêm phong theo kế hoạch. Thời gian bắt đầu thực hiện kế hoạch về giải pháp niêm phong từ ngày 21-2 đến 31-3-2017.

Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh xăng dầu: Nâng cao ý thức tuân thủ triệt để pháp luật quy định về kinh doanh xăng dầu cùng với việc chấp hành, thực hiện đúng, đầy đủ Luật Kế toán, quy định về hợp đồng kinh tế, quản lý sử dụng hóa đơn, chứng từ thanh toán... làm cơ sở thực hiện khai, nộp thuế theo quy định. Tích cực phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện nghiêm túc kế hoạch, đồng thời cung cấp kịp thời thông tin tài liệu, số liệu cần thiết tại thời điểm dán tem cho đoàn kiểm tra ghi nhận, lập biên bản và ký biên bản xác nhận hoàn thành việc dán tem. Sau khi niêm phong xong, có trách nhiệm bảo quản nguyên trạng, không tự ý bóc, tháo gỡ làm mất hiệu lực tem, dấu chì niêm phong nhằm tác động làm thay đổi chỉ số đồng hồ đếm tổng để né tránh việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế trong hoạt động kinh doanh... Trường hợp vi phạm, cơ quan thuế sẽ căn cứ xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định.

P. V

Từ khóa: