Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020
(BDO) Ngày 25-1-2017, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch 304/KH-UBND về Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2017-2020. Phòng TMĐT (Trung tâm Xúc tiến thương mại) xin trích đăng kế hoạch này của UBND tỉnh phục vụ cho công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT của tỉnh, đẩy mạnh TMĐT trở thành hoạt động phổ biến của doanh nghiệp (DN) sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng cho sản phẩm tiềm năng và chủ lực của tỉnh.
1- Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung:
Thực hiện triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT của tỉnh nhằm đẩy mạnh TMĐT trở thành hoạt động phổ biến của DN sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN. Bên cạnh đó, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng cho sản phẩm tiềm năng và chủ lực của tỉnh.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- 100% DN lớn, 65% DN vừa và nhỏ có website riêng để quảng bá thương hiệu sản phẩm và thông tin DN.
- 30% DN giao dịch hàng hóa và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng TMĐT và các thiết bị di động.
- 50% DN ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong quản lý và sản xuất thương mại dịch vụ.
- 75% thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông.
- 40% DN tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến sản xuất thương mại dịch vụ.
- 90% các thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4.
- 100% lãnh đạo cơ quan Nhà nước sử dụng chứng thực chữ ký số.
- Áp dụng phổ biến đến các DN thực hiện giao dịch chứng thực để bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch TMĐT.
2- Nội dung Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Bình Dương 2017-2020
2.1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về TMĐT:
+ Nội dung:
- Tổ chức hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến pháp luật TMĐT về thực thi pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra giám sát, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng;
- Tổ chức tuyên truyền về TMĐT nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân người dân về TMĐT thông qua các phương tiện truyền thông như các bản tin, Cổng thông tin Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương.
- Giới thiệu về Cổng Thông tin Sở Công thương, Cổng TMĐT của Quốc gia nhằm khuyến khích DN tham gia hoạt động Cổng để quảng bá hình ảnh thương hiệu các sản phẩm chủ lực của các DN trên địa bàn tỉnh với thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, thể hiện được tính cạnh tranh của DN trên thị trường quốc tế.
+ Đơn vị chủ trì: Sở Công thương Bình Dương.
+ Đơn vị phối hợp: Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương.
+ Đối tượng: Cán bộ công chức, tổ chức, cá nhân.
+ Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 đến năm 2020.
2.2. Tổ chức các lớp bồi dưỡng đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực về TMĐT:
- Nội dung: Bồi dưỡng đào tạo, tập huấn về TMĐT về kỹ năng cần thiết và nâng cao trình độ của các cán bộ quản lý, kinh doanh của DN như: Xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT; Quản trị hệ thống dữ liệu website, sàn giao dịch, chứng thực kỹ thuật số bảo đảm an toàn an ninh; kỹ năng giao dịch trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử, các hệ thống quản lý hàng tồn kho và các hệ thống tự động thu thập dữ liệu; thanh toán giao dịch thương mại trực tuyến; nâng cao mức độ dịch vụ công trực tuyến mức 3 - 4 cho tổ chức, cá nhân.
- Đơn vị chủ trì: Sở Công thương Bình Dương.
- Đơn vị phối hợp: Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông.
- Đối tượng: Tổ chức, cá nhân, các bộ công chức viên chức.
- Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 đến năm 2020.
2.3. Tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT
a) Tư vấn xây dựng kế hoạch cho DN vừa và nhỏ
+ Nội dung: Đẩy mạnh việc ứng dụng TMĐT cho các DN vừa và nhỏ nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng, tăng cường giao thương với các khu vực khác.
+ Đơn vị chủ trì: Sở Công thương Bình Dương.
+ Đơn vị phối hợp: Các hiệp hội ngành hàng; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
+ Đối tượng: Các DN vừa và nhỏ.
+ Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 đến năm 2019.
b) Điều tra khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng TMĐT:
- Thực hiện công tác điều tra, khảo sát, thống kê các tổ chức, cá nhân về tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh, thu thập thông tin sẽ tạo tiền đề cho việc phân tích đánh giá để đưa ra các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng TMĐT được đồng bộ hơn và đồng thời phục vụ cho công tác quản lý nhà nước được thuận lợi. Ngoài ra, phục vụ cho công tác báo cáo, xây dựng kế hoạch về việc ứng dụng TMĐT cho UBND tỉnh, Bộ Công thương.
+ Đơn vị chủ trì: Sở Công thương Bình Dương.
+ Đơn vị phối hợp: Các hiệp hội ngành hàng; có liên quan.
+ Đối tượng: Các tổ chức, cá nhân.
+ Thời gian thực hiện: Năm 2020
2.4. Hỗ trợ DN trên địa bàn ứng dụng TMĐT:
- Nội dung:
+ Hỗ trợ và mời các hiệp hội, DN tham gia Cổng thông tin của Sở Công thương, Cổng thông tin Bình Dương với các hoạt động cập nhật thông tin DN, dịch vụ công trực tuyến, quảng bá thương hiệu sản phẩm, khuyến mại, đấu thầu, thống kê báo cáo... cung cấp các sản phẩm tiềm năng của tỉnh.
- Hỗ trợ các DN tham gia các sàn giao dịch nhằm quảng bá sản phẩm và mua bán trực tuyến của DN. Đồng thời hỗ trợ tìm kiếm đối tác, cơ hội giao thương giữa các DN xuất khẩu.
- Tăng cường nâng cao hiệu quả hoạt động Xúc tiến thương mại thông qua TMĐT nhằm cung cấp thông tin thị trường nhanh chóng và kịp thời đến các DN trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT của các DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Thí điểm một DN điển hình để triển khai giao dịch trực tuyến theo mô hình tiên tiến trên thế giới.
+ Đơn vị chủ trì: Sở Công thương Bình Dương.
+ Đơn vị phối hợp: Các sở, ban ngành có liên quan, các hiệp hội ngành hàng có liên quan.
+ Đối tượng: Các tổ chức, cá nhân.
+ Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 đến năm 2020.
2.5. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TMĐT:
a) Thanh tra, kiểm tra về hoạt động TMĐT:
+ Nội dung: Thực hiện công tác kiểm tra định kỳ việc tuân thủ pháp luật về kinh doanh TMĐT; giải quyết các tranh chấp khiếu nại của khách hàng, DN về TMĐT theo quy định của pháp luật; xử phạt đối với hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa, thanh toán trực tuyến.
+ Đơn vị chủ trì: Sở Công thương Bình Dương.
+ Đơn vị phối hợp: Lực lượng Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông.
+ Đối tượng: Các tổ chức, cá nhân.
+ Thời gian thực hiện: Hàng năm.
b) Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh:
+ Nội dung: Xây dựng sàn giao dịch TMĐT nhằm giúp tạo dựng cơ hội tìm kiếm thông tin cho các đối tác trong và ngoài nước biết đến các sảm phẩm của các DN trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và tư vấn các pháp lý cho các DN tiếp cận với loại hình kinh doanh trực tuyến thuận lợi. Đồng thời có thể giúp cơ quan chuyên ngành tích hợp được hệ thống giao dịch và thanh toán trực tuyến và giúp cho cơ quan dễ dàng và thuận lợi trong công tác quản lý.
+ Đơn vị chủ trì: Sở Công thương Bình Dương.
+ Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.
+ Đối tượng: Các tổ chức, cá nhân.
+ Thời gian thực hiện: Từ năm 2017 đến năm 2020.
III- Dự toán kinh phí thực hiện.
Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch là 7085,6 tỷ đồng; trong đó:
+ Kinh phí Trung ương: 100 triệu đồng.
+ Kinh phí địa phương: 5,4081 tỷ đồng.
+ Kinh phí vận động từ nguồn khác: 1,5775 tỷ đồng.
V- Tổ chức thực hiện
1. Sở Công thương
- Căn cứ chương trình thương mại điện tử 2017-2020, phối hợp đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết từng năm trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Là cơ quan đầu mối, chủ trì thực hiện kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) và các đơn vị phối hợp có liên quan triển khai nội dung kế hoạch này.
- Tích cực vận động DN tham gia các nội dung của kế hoạch và hỗ trợ DN một cách hiệu quả nhằm đem lại lợi ích kinh tế của tỉnh.
- Huy động các nguồn vốn tài trợ từ các chương trình, dự án của Trung ương và các DN địa phương góp phần kinh phí cho thực hiện kế hoạch.
- Đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, Bộ Công thương các chính sách, hướng dẫn quy định, văn bản pháp luật cần thiết có liên quan đến TMĐT.
- Tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và theo hướng dẫn của Trung ương.
- Hướng dẫn, đôn đốc tổ chức, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. Tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện hàng năm và cả giai đoạn báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Tài chính
Chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan bố trí ngân sách tỉnh để bảo đảm kinh phí hàng năm cho việc thực hiện kế hoạch.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tổng hợp cân đối, lồng ghép các nguồn lực các chương trình kinh tế - xã hội trong tỉnh với kế hoạch phát triển TMĐT hàng năm, phối hợp với Sở Tài chính cân đối ngân sách hàng năm tham mưu cho UBND tỉnh phân bố nguồn ngân sách tỉnh bảo đảm kinh phí hàng năm cho thực hiện kế hoạch này.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
- Thực hiện việc phát triển hạ tầng viễn thông và internet tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển TMĐT, xây dựng và đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích đầu tư phát triển và chuyển giao công nghệ hỗ trợ TMĐT.
- Phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan trong việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động TMĐT.
- Chủ trì phối hợp với Sở Công thương triển khai ứng dụng chữ ký số trong giao dịch, thanh toán trực tuyến.
5. Cục Thuế, Cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bình Dương là các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố
Căn cứ vào nội dung của kế hoạch này phối hợp với Sở Công thương triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của ngành địa phương mình quản lý.
6. Các cơ quan báo, đài
- Tích cực tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về quy định, chính sách của Nhà nước về TMĐT.
- Phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các chuyên mục, bản tin về hoạt động TMĐT, lợi ích và hiệu quả từ các ứng dụng TMĐT để phổ biến, tuyên truyền đến người dân và DN.
7. Các DN trên địa bàn tỉnh
- Triển khai ứng dụng TMĐT trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí mang lại hiệu quả cao nhất.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tích cực tham gia thực hiện kế hoạch.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc cần thiết sửa đổi, bổ sung kế hoạch các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Công thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
NGUYỄN TRỌNG HỒNG PHÚC (Phòng TMĐT, Trung tâm Xúc tiến thương mại)