Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng vi-rút Corona mới (nCoV) gây ratrên địa bàn tỉnh Bình Dương

Thứ hai, ngày 03/02/2020

(BDO)  Ngày 31-1-2020, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Kế hoạch số 373/KH-UBND kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi-rút Corona mới (nCoV) trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch tổ chức thực hiện như sau:

Sở Y tế: Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng vi-rút Corona mới (nCoV) gây ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương; tham mưu tăng cường hoạt động chỉ đạo phòng chống dịch nCoV của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế. Xây dựng kế hoạch của ngành y tế đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng vi-rút Corona mới (nCoV) gây ra trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh ban hành.

Tổ chức thực hiện công tác truyền thông nguy cơ phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Cung cấp tài liệu truyền thông phòng chống dịch bệnh nCoV cho các cơ quan, đơn vị.

Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống cho người dân; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh; báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế về Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh và UBND tỉnh.

Tiếp tục triển khai đường dây nóng của Bộ Y tế (19009095); số điện thoại nóng của Sở Y tế (0964691919) để hướng dẫn và tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh nCoV trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức các lớp tập huấn về giám sát, phát hiện, báo cáo các trường hợp bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch, công tác thu dung, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân và phòng ngừa lây nhiễm cho các đơn vị y tế.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, trong công tác giám sát trường hợp bệnh tại cộng đồng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp có người Trung Quốc (người đến từ các vùng có dịch) đang làm việc nhằm phát hiện sớm và cách ly kịp thời.

Xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm việc tổ chức thu dung, cấp cứu, phân luồng, phân tuyến điều trị bệnh nhân, duy trì hoạt động thường xuyên của bệnh viện khi có dịch. Thực hiện nghiêm việc cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

Củng cố các đội chống dịch cơ động, chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử trùng, trang thiết bị phòng, chống dịch, hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.

Phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối (Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy…) thiết lập bệnh viện vệ tinh khi cần thiết.

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ; Sở Kế hoạch - Đầu tư; Liên đoàn Lao động tỉnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore: Quản lý chặt chẽ danh sách các kỹ sư, chuyên gia, người lao động nước ngoài (đặc biệt là người Trung Quốc) đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh hoặc có đi, đến các vùng có dịch, thông báo cho cơ quan y tế để thực hiện theo dõi, cách ly khi có biểu hiện bệnh. Tuyên truyền cho người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Cũng theo kế hoạch, các sở, ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, UBND các huyện, thị, thành phố... căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị để chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đề ra giải pháp phòng, chống dịch bệnh nêu trên cho phù hợp, hiệu quả.

 T.VY