Jacques Chirac – Người Pháp lịch lãm

Thứ hai, ngày 14/10/2019

(BDO) Thế giới vào ngày 26-9 vừa chứng kiến sự ra đi của cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Ông Chirac - từng là Thị trưởng Paris cũng như 2 lần làm thủ tướng - được người dân Pháp và cả thế giới biết đến không chỉ với tư cách của một nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng mà còn là một nhân vật có sức thu hút đặc biệt theo đúng phong cách quý tộc Pháp.

Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac qua đời

Khi bước chân vào chính trường, ông có đủ tính nguyên tắc để có thể sẵn sàng làm trái với đương kim tổng thống. Còn rất nhiều chi tiết đáng chú ý khi nói về cuộc đời của một chính trị gia được nhiều người ưa thích như Jacques Chirac...

Jacques Chirac sinh ngày 29-11-1932 tại quận 5 Paris, trong một gia đình theo đạo Thiên chúa. Cha của ông là một nhân viên quản lý trong ngân hàng, còn mẹ là nội trợ. Là con trai duy nhất trong gia đình, Chirac được cha mẹ tạo điều kiện cho học tại những ngôi trường tốt tại Paris.

Nhận tấm bằng tú tài năm 18 tuổi, Chirac trái với mong muốn của cha mẹ, đã bất ngờ đăng ký gia nhập hải quân. Ông cũng là một trong 14 triệu người Pháp cùng ký vào Văn kiện Stockholm, kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới ngăn cấm vũ khí hạt nhân. Chàng thanh niên trẻ Chirac từng có thời gian là người ủng hộ cho các lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản.

Ông Jacques Chirac.

Chirac rất nhanh chóng lựa chọn con đường công danh của mình. Được khích lệ bởi tấm gương của Charles de Gaulle, chàng trai trẻ quyết định sẽ tập trung vào sự nghiệp phục vụ quốc gia. Vài năm sau, Chirac đã tốt nghiệp những trường đào tạo tốt nhất tại Pháp, trong đó có 1 năm tại Havard, kèm theo đó là mối tình với một cô gái Mỹ.

Nhưng sau khi tốt nghiệp Trường Đào tạo hành chính quốc gia, ông cưới cô gái Pháp Bernadette Chodron de Courcel - một cuộc hôn nhân được đánh giá là “không môn đăng hộ đối” khi chàng trai từ gia đình dân thường cưới một cô gái nguồn gốc quý tộc. Không lâu sau đám cưới, Chirac vào năm 1956 đã tình nguyện gia nhập quân đội, tham gia đội quân thực dân của Pháp chống lại phong trào đòi độc lập tại Algeria. Chirac chiến đấu tại Bắc Phi trong một năm rưỡi, bị thương và trở về nước với quân hàm trung úy.

“Cỗ máy ủi”

Năm 1959, Chirac có được cương vị chính quyền đầu tiên của mình - trở thành kiểm toán viên của phòng kế toán, đồng thời giảng bài tại Viện Nghiên cứu chính trị. Sự nghiệp của ông rất nhanh chóng thăng tiến theo xu hướng chính trị: năm 1962 được giao tham gia điều hành các dự án trong chính quyền của Thủ tướng Georges Pompidou. Thủ tướng khi đó rất quý chàng trai trẻ, quyết đoán và kiên trì trong công việc như Chirac - còn gọi ông là “Máy ủi” vì sự thẳng tính và kiên quyết của mình.

Thông qua Pompidou, Chirac tiếp cận với các phong trào cánh hữu, trở thành một chuyên gia xuất sắc trong các tiến trình chính trị. Vai trò của Chirac được ghi nhận trong các chiến dịch tranh cử tổng thống của Charles de Gaulle và Pompidou, trong các cuộc bầu cử cỡ nhỏ hơn. “Máy ủi” tiếp tục đà thăng tiến với những dấu ấn đậm nét. Năm 1968, ông đã giúp xoa dịu những bất bình trong phong trào sinh viên, tìm được tiếng nói chung giữa chính quyền và lực lượng biểu tình.

Cũng trong năm đó, Chirac tham gia phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính, tiếp cận gần hơn các quan chức hàng đầu của đất nước. Đến năm 1972, ông đã trở thành Bộ trưởng Nông nghiệp trong chính phủ của Pompidou. Sau cái chết của ông này vào năm 1974, Chirac thay thế, trở thành người đứng đầu trong đảng, sau đó một năm, lên nắm ghế thủ tướng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Valery Giscard d'Estaing.

Tuy nhiên, những quan điểm của chính trị gia trẻ tuổi lại không trùng hợp với chính sách của chính quyền khi đó - giữa Chirac và Giscard d'Estaing nảy sinh mâu thuẫn sau chỉ 2 năm làm việc. Do bất đồng với những chính sách xã hội mới và cả quan điểm đối ngoại của tổng thống, Chirac chuyển sang phe đối lập vào năm 1976, đại diện cho phe theo quan điểm chủ nghĩa dân tộc ôn hòa. Một năm sau, ông trở thành Thị trưởng Paris (vị trí từng có thời gian bị xóa bỏ trước đó), ngồi trên chiếc ghế người đứng đầu thủ đô nước Pháp trong 18 năm liền.

Thất bại để chiến thắng

Quay trở lại với lịch sử, các thủ lĩnh Công xã Paris vào năm 1871 đã bãi bỏ cương vị thị trưởng chỉ với một lý do: lo ngại quyền hành tập trung quá nhiều vào tay người điều hành thành phố hàng đầu của đất nước. Lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở. Trong những năm trên cương vị thị trưởng, Chirac đã tích lũy được một số lượng lớn vốn liếng chính trị, tập hợp được lực lượng chính trị bảo thủ với khẩu hiệu bảo vệ chủ quyền của nước Pháp.

Nỗ lực đầu tiên nhằm chạy đua giành chiếc ghế tổng thống của Chirac vào năm 1981 không quá thành công khi chỉ giành được 18% số phiếu bầu. Tuy nhiên sau chiến thắng của ứng cử viên phe Xã hội Francois Mitterrand, Chirac trên thực tế đã trở thành thủ lĩnh của phe đối lập cánh hữu.

Khác với cựu Tổng thống Giscard d'Estaing, quan điểm của Chirac khác biệt đáng kể so với chính sách kinh tế ban đầu của tư tưởng Gaullisme (tư tưởng chính trị của tướng de Gaulle với đặc trưng bảo thủ trong các vấn đề xã hội và can thiệp mạnh mẽ của chính phủ vào điều hành kinh tế). Ông ủng hộ cho tư tưởng về một thị trường tự do hơn và cả chính sách giảm thuế. Cũng nhờ đó, Chirac có được sự ủng hộ của cả Mặt trận dân tộc, cho dù không bao giờ là đồng minh với vị thủ lĩnh Jean-Marie Le Pen vì những quan điểm cấp tiến của ông ta.

Quan điểm trung thành với một nền kinh tế tự do là một trong những nguyên nhân giúp Chirac có thể đứng đầu chính phủ dưới thời của Tổng thống Mitterrand, trở thành chính trị gia đầu tiên trong lịch sử nước Pháp 2 lần được chọn là thủ tướng. Vào năm 1986, khi phe Gaullisme giành được đa số ghế trong quốc hội, chính trường Pháp đã trở thành cuộc đấu trí giành quyền lực giữa vị thủ tướng cánh hữu và vị tổng thống cánh tả với phe này: Chirac điều hành chính sách đối nội, bán các xí nghiệp đã quốc hữu hóa trước đó, giảm bớt thuế má; còn Mitterrand triển khai mọi biện pháp để hạn chế phe Gaullisme.

Trong cuộc bầu tử tiếp theo vào năm 1988 (nhiệm kỳ Tổng thống Pháp khi đó có thời hạn 7 năm), Chirac tiếp tục thất bại, dù lần này đã vào được tới vòng 2 với 46% số phiếu bầu. Thất bại này đã dẫn tới sự từ chức của ông, kéo theo đó là cả chiếc ghế của phe bảo thủ và đảng của ông cũng mất đa số ghế. Chirac chỉ có thể quay lại vào 7 năm sau, lần này tới thẳng chiếc ghế Tổng thống Pháp.

Chính sách cân bằng

Trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống năm 1995, Chirac nhận được sự ủng hộ của hơn nửa số cử tri với 52% số phiếu. Nội dung chương trình tranh cử ông đưa ra tập trung mối quan tâm vào nước Pháp và người dân Pháp: tạo thêm nhiều công ăn việc làm, kết hợp khéo léo giữa sự can thiệp của chính phủ vào điều hành kinh tế với việc nới lỏng các giới hạn về chính sách kinh tế, bảo vệ quyền lợi của đất nước trên diễn đàn quốc tế.

Những chính sách cụ thể dưới thời Chirac luôn được điều chỉnh một cách mềm dẻo, lấy lòng được cử tri, giúp cho ông tại vị trên chiếc ghế tổng thống trong suốt 12 năm, sau khi đánh bại ứng cử viên cực hữu Le Pen vào năm 2002.

Ông Chirac (thứ 2 từ phải sang) luôn là chính trị gia theo đường lối cân bằng mềm dẻo trong chính sách đối ngoại.

Một số quyết sách của Chirac cho tới bây giờ vẫn được người dân Pháp nhớ đến và coi chúng là những quyết định lịch sử: bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, giảm bớt thời hạn nhiệm kỳ tổng thống từ 7 xuống còn 5 năm, cấm mặc những bộ quần áo mang tính tôn giáo tại các trường học v.v... Theo đánh giá, Chirac được coi là một vị tổng thống nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Pháp.

“Trong lịch sử nước Pháp, nếu nói một cách trung thực, có những vị tổng thống có thể lãnh đạo hiệu quả hơn một chút, hào nhoáng hơn một chút. Nhưng ít ai có thể so sánh với ông ấy về sự thu hút. Chirac là người đại diện một cách tốt nhất và nhiều nhất cho nước Pháp, hơn phần lớn những người tiền nhiệm hay kế nhiệm của ông. Nguyên nhân vì ông hành động đều vượt ra ngoài khuôn khổ: nói nhiều hơn cần thiết, uống rượu và hút thuốc nhiều, yêu mến phụ nữ. Tất cả đều theo phong cách rất... Pháp” - một chuyên gia đã bình luận về Chirac như vậy.

Trung thành với ý tưởng nước Pháp độc lập, Chirac không bao giờ ủng hộ việc “theo đuôi” Mỹ và NATO trong các vấn đề thế giới. Nước Pháp dưới thời ông đã đứng vai trò trung gian trong cuộc đối đầu giữa NATO với nước Nga. Chirac cho rằng, sự độc lập của nước Pháp nằm ở khả năng cân bằng giữa “người anh lớn Mỹ và người hàng xóm Nga”.

Với quan điểm như vậy, Chirac thậm chí còn hơi nghiêng về Moscow vào thời điểm nước Nga còn đang vật lộn với vô số khó khăn dưới thời Yeltsin. Tổng thống Putin gọi Chirac là kiểu mẫu hàng đầu của mình trên chính trường thời hiện đại. “Ông là người có trí tuệ, một thầy giáo thực sự, một con người rất thú vị và thông minh. Là tổng thống, ông ấy đều có ý kiến riêng của mình về mọi vấn đề, biết cách bảo vệ nó, đồng thời vẫn biết tôn trọng quan điểm của người khác” - ông Putin từng bình luận về Chirac như vậy.

Pháp và Nga trong nhiệm kỳ thứ hai của Chirac thậm chí còn gần gũi nhau hơn như một đối trọng với chính sách ngoại giao của Mỹ. Khi liên quân Anh-Mỹ tràn vào Iraq năm 2003, Moscow và Paris đều công khai phản đối chiến dịch quân sự này. Chirac thậm chí còn đe dọa dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, sau đó đã hứng chịu làn sóng chỉ trích kịch liệt từ phía các chính trị gia và truyền thông Mỹ.

Quan điểm nước Pháp trên hết của Chirac đã khiến ông không ưa gì xu hướng toàn cầu hóa. Năm 2005, ông bày tỏ quan điểm quyết liệt chống lại bản hiến pháp chung của châu Âu. Kết quả là sau cuộc trưng cầu ý dân, Pháp là một trong số ít các nước đã bác bỏ bản dự thảo này.

Những vết ố

Trong sự nghiệp hoạt động chính trị hơn 40 năm của Chirac, không phải không có những “vết ố”. Ngay từ những năm 1990, ông đã bị cáo buộc tội tham nhũng: dùng tiền ngân sách chi phí cho những buổi yến tiệc linh đình của Hội đồng thành phố Paris. Chirac bị nghi ngờ về những khoản chi phí lớn cho việc ăn uống, cũng như tạo dựng những vị trí công việc giả mạo từ thời là Thị trưởng Paris. Nhưng do khi đó đã trở thành tổng thống, nên ông Chirac có được quyền bất khả xâm phạm. Những khoản tiền phạt và án tù lại đổ lên đầu những quan chức thân cận của ông vào thời đó.

Năm 2007, ông Chirac tuyên bố sẽ không ra ứng cử nhiệm kỳ thứ ba. “Tôi đã cống hiến cả đời mình để phục vụ nước Pháp, cho việc duy trì hòa bình” - ông tuyên bố như vậy trong diễn văn chia tay. Việc Chirac quyết định từ bỏ chính trường được đánh giá là do tình trạng sức khỏe đã giảm sút nhiều của ông. Cũng ngay trong năm đó, phe chống đối đã mở lại phiên tòa về tham nhũng và lạm tiêu chống lại ông. Năm 2011, ông Chirac bị phán quyết có tội cùng với bản án treo 2 năm tù. Ông Chirac đã không xuất hiện trước tòa - theo lời các bác sĩ, ông đã không thể tự đứng ra bảo vệ mình do bệnh tật đã làm ảnh hưởng nhiều tới trí nhớ của ông.

Từ thời điểm đó, cựu Tổng thống Pháp luôn cố gắng không xuất hiện trước công chúng. Người con rể Frederic Salat-Baroux của ông không tiết lộ rõ cho phóng viên nguyên nhân của cái chết nhưng cho biết Chirac đã ra đi “một cách thanh thản bên cạnh những người thân của mình”. “Thời đại của những nguyên thủ lớn đã trôi qua cùng với cái chết của Chirac” - một chuyên gia bình luận ngắn gọn như vậy về sự ra đi của ông.

Theo CAND

Từ khóa: