Italy sau tổng tuyển cử: Châu Âu lại nín thở

Thứ sáu, ngày 09/03/2018

(BDO) Ngày 4-3, cử tri Italy tham gia cuộc tổng tuyển cử được xem là một trong những cuộc bầu cử quan trọng hàng đầu ở châu Âu trong năm 2018 bởi kết quả của nó có thể đe dọa sự ổn định của châu lục, đặc biệt là Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Các cử tri phải đưa ra lựa chọn giữa một loạt phe phái, bao gồm liên minh cánh tả, những người theo chủ nghĩa dân túy phi đảng phái và liên minh trung tả... Khi chính trường Italy chao đảo, châu Âu cũng sẽ bất ổn.

Tâm điểm quan ngại của châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) nín thở chờ đợi cũng phải khi mà cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước Đức đang loay hoay tìm lại chính mình, nước Anh đang rời đi thì sự ổn định của Italy là vô cùng quan trọng. Hãng BBC giải thích, cuộc bầu cử tại Italy rất quan trọng bởi Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 trong EU và các thắng lợi nếu đạt được của các đảng dân túy và cực hữu thì sẽ là mối quan ngại lớn ở một số nước châu Âu.

Theo các dự đoán của hãng SWG dựa trên kết quả bầu cử sơ bộ, liên minh trung hữu trong đó có đảng Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, có thể sẽ giành được 37,3% tại Thượng viện. Phong trào 5 Sao có thể giành được 32,3% số phiếu trong khi đảng Dân chủ (PD) cầm quyền theo quan điểm trung tả sẽ nhận được sự ủng hộ sụt giảm còn 18,9%.

Trong liên minh cánh hữu, đảng League được dự đoán giành được 17,5%, cao hơn kết quả của đảng Forza Italia, điều cho thấy cam kết cứng rắn với người nhập cư và phản đối EU của họ đã lôi kéo được các cử tri.


Chưa nổi lên nhân vật nào nhận được sự quan tâm của đa số cử tri. Ảnh: Financial Times.

Theo các dự đoán dựa trên, liên minh cánh hữu đã nổi lên với nhiều số phiếu ủng hộ nhất, vượt qua Phong trào 5 Sao phản đối chính giới - phong trào nhận được sự ủng hộ tăng vọt để trở thành chính đảng lớn nhất Italy. Liên minh trung tả cầm quyền về thứ 3, bị ảnh hưởng bởi sự tức giận của người dân trước tình cảnh đói nghèo gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao và số lượng người nhập cư lớn đổ về Italy.

Kết quả cuối cùng có kết quả thay đổi theo từng giờ trong quá trình kiểm phiếu. Thế bế tắc chính trị kéo dài có thể khiến Italy, vốn đang chìm trong nợ nần, trở thành tâm điểm quan ngại ở châu Âu.

Ngày 5/3, các chuyên gia đã đưa ra nhận định cho rằng Italy có thể rơi vào tình trạng quốc hội treo. Với số lượng phiếu ủng hộ các đảng phái cực hữu và phản đối chính giới ở mức cao kỷ lục đã đẩy nền kinh tế lớn thứ 3 trong Eurozone vào thế bế tắc chính trị mà phải mất tới vài tháng mới có thể gỡ bỏ.

Nếu các kết quả thăm dò sau bỏ phiếu được khẳng định thì không một ai trong số 3 đảng khối chính có thể tự đứng ra thành lập chính phủ và rất ít khả năng Italy sẽ trở lại chính phủ dòng chính thống. Các kịch bản hiện nay có thể là một liên minh theo quan điểm hoài nghi châu Âu hơn sẽ được thành lập hoặc thậm chí Italy sẽ phải tiến hành bầu cử lại.

Sáng 5/3, đồng Euro đã tụt dốc tại châu Á trong lúc các nhà đầu tư chờ đợi các kết quả rõ ràng hơn từ cuộc bầu cử ở Italy.

Chỉ ra nguyên nhân của sự phân tán lá phiếu, nhiều tờ báo của Italy đã phân tích, cử tri Italy được cho là ít quan tâm tới các chương trình vận động tranh cử, bởi phần lớn họ tin rằng những cam kết trước bầu cử của các chính đảng sẽ khó thực hiện được. Do vậy, trong kỳ bầu cử năm nay, số lượng cử tri Italy không tham gia bỏ phiếu dự báo sẽ lên tới 12 triệu người (hơn 25%).

Trong cuộc bầu cử năm 2013, lượng cử tri đi bỏ phiếu cũng chỉ đứng ở mức 75,19%, mức thấp nhất kể từ năm 1946. Tình trạng phân rã chính trị hiện nay của các chính đảng ở Italy, cùng luật bầu cử mới rất phức tạp được quốc hội nước này thông qua hồi cuối tháng 10-2017 cũng là nguyên nhân quan trọng. Thêm vào đó, năm 2016, khoảng 18 triệu người có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo và tỷ lệ thất nghiệp là 11% cũng là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ các cử tri trẻ tuổi không đi bỏ phiếu là khá cao.

Châu Âu không muốn thấy mầm chống đối

Các vấn đề chính trong cuộc bầu cử lần này là nhập cư và kinh tế. Trong khi kinh tế mới chỉ khởi sắc chút ít sau nhiều năm “bết bát”, vấn đề nhập cư nóng hơn bao giờ hết. Số lượng lớn người nhập cư đã khiến nhiều người Italy - đặc biệt là các chính khách, ngay cả trong các đảng chính thống - phải củng cố quan điểm cứng rắn hơn.

Ông Berlusconi đã gọi sự hiện diện của những người nhập cư bất hợp pháp là “quả bom hẹn giờ của xã hội” và cam kết tiến hành chiến dịch trục xuất lớn. Chiến dịch tranh cử của ông đã dẫn đến các cuộc đụng độ bạo lực giữa những người ủng hộ phe cực hữu và những người biểu tình chống phát xít.

Rõ ràng, phong trào dân túy đang âm ỉ ở châu Âu nay lại có dịp bùng phát trở lại trong cuộc bầu cử ở Italy. Giáo sư ngành xã hội học Mabel Berezin tại Đại học Cornell, người nghiên cứu về chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa phát xít ở châu Âu cho rằng cuộc bầu cử vừa qua tiếp tục “đưa Italy đi theo chiều hướng tồi tệ nhất trong chính trường châu Âu hiện nay”.

Nhấn mạnh đến sự trỗi dậy của làn sóng bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc ở Trung và Đông Âu, bà Berezin nói rằng các đối thủ chính trong cuộc bầu cử tại Italy bao gồm các đảng phái ủng hộ quan điểm chống châu Âu, chống người nhập cư và theo chủ nghĩa dân túy.

Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani mới đây đã phải lên tiếng rằng EU cần “một Italy mạnh mẽ”, có những ý tưởng và chính sách mang lại lợi ích cho châu Âu chứ không phải hứng chịu bất ổn từ đất nước hình chiếc ủng. 

Theo TTXVN