Iran và P5+1 tái khởi động đàm phán về vấn đề hạt nhân

Thứ bảy, ngày 14/04/2012

Nhóm P5 +1 yêu cầu Iran ngừng làm giàu urani cấp độ 20%, tháo dỡ cơ sở hạt nhân Fordo và gửi số urani được làm giàu ra nước ngoài.

Sau 15 tháng bị gián đoạn, ngày 14-4, Iran và P5 +1 cuối cùng đã có thể tái khởi động các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa hồi giáo. Tuy nhiên, ngay cả khi các bên cùng nhất trí ngồi vào bàn đàm phán thì đây cũng sẽ là một vòng đàm phán đầy cam go. Bởi Mỹ và phương Tây vẫn đang muốn nhận được nhiều hơn những cam kết từ Tehran nhằm giảm những lo ngại do nước này sẽ đẩy mạnh chương trình làm giàu urani để tiến tới vũ khí hạt nhân trong tương lai.    

Mục tiêu của Mỹ và phương Tây tại cuộc đàm phán diễn ra ngày 14-4 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cũng giống như 8 năm trước đây. Đó là thuyết phục Tehran ngừng tất cả các chương trình làm giàu urani, từ đó làm giảm những lo ngại về khả năng nước này sẽ nắm vũ khí hạt nhân. Các phương tiện truyền thông Mỹ cho biết, nhóm P5 +1 yêu cầu Iran ngừng làm giàu urani cấp độ 20%, tháo dỡ cơ sở hạt nhân Fordo và gửi số urani được làm giàu ra nước ngoài.

Tuy nhiên, Iran lại khẳng định sẽ không cúi đầu trước bất kỳ sự o ép nào, vi phạm đến quyền thực hiện một chương trình hạt nhân hòa bình để sản xuất điện và phục vụ cho các mục đích y tế.

Mỹ và phương Tây đang ngày càng gây áp lực đối với Iran thông qua các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực xương sống của nước này, đó là dầu mỏ. Mỹ đã cảnh báo rằng, cuộc đàm phán có thể sẽ là cơ hội cuối cùng để thuyết phục Iran ngừng làm giàu urani trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, trưởng đoàn đàm phán của Nga, ông Sergei Rybakov cho rằng, liệu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây có thực sự hỗ trợ những nỗ lực nhằm thuyết phục Iran chấm dứt chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình hay không, hay có khi chỉ làm cho tình hình trở nên phức tạp và càng phá hoại các nỗ lực này.

Các nhà chức trách Iran cho rằng, các cuộc đàm phán ở Istanbul sẽ rất khó khăn và nặng nề. Ông Falahatpisheh, người đứng đầu Ủy ban Quốc hội về các vấn đề ngoại giao của Iran nhấn mạnh, nước này sẽ không nhượng bộ trước các hoạt động hạt nhân của mình. Ngay cả các nhà đàm phán Nga và Trung Quốc, vốn là những đối tác chiến lược của Iran, và có vai trò đáng kể trong việc thúc giục Iran nối lại các cuộc đàm phán lần này, cũng phải thừa nhận rằng, cuộc đàm phán lấn này sẽ chẳng dễ dàng để có thể đi đến một thỏa thuận nào. Tuy nhiên, Trung Quốc hy vọng các bên sẽ thực hiện đối thoại một cách nghiêm túc, trên tinh thần xây dựng.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều húc nói: “Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, đối thoại và đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran sẽ là rất quan trọng trong việc ổn định tình hình và duy trì hòa bình trong khu vực. Chúng tôi hi vọng tất cả các bên liên quan sẽ tham gia đối thoại một cách nghiêm túc và mang tính xây dựng, nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân một cách toàn diện và phù hợp”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Ali Akbar Salehi đã “ngỏ ý” muốn làm dịu bớt mối quan hệ với Mỹ và phương Tây khi nói rằng, ông hi vọng tất cả các bên sẽ nỗ lực để khôi phục niềm tin tại các cuộc đàm phán. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Saeed Jalili cho biết, Iran sẽ đưa ra những sáng kiến về chương trình hạt nhân tại cuộc đàm phán sắp tới và hy vọng, các nước P5+1 sẽ ủng hộ những sáng kiến trên tinh thần hợp tác và xây dựng.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, Saeed Jalili nói: “Chúng tôi sẵn sàng tham gia đàm phán nhằm đạt được tiến bộ. Chúng tôi hy vọng rằng, nhóm P5 +1 cũng sẵn sàng và kết quả cuộc đàm phán lần này sẽ thành công. Chúng tôi đưa ra các sáng kiến mới và hy vọng các bên cũng sẽ tham gia với tinh thần hợp tác và xây dựng”.

Hiện nay, chưa ai có thể dám chắc là những sáng kiến của Iran về chương trình hạt nhân có được chấp nhận hay không, nhưng có thể thấy rõ sự hợp tác của Iran đối với các quan sát viên quốc tế khi kiểm tra các lò phản ứng hạt nhân, kể cả căn cứ quân sự Parchi- nơi bị nghi ngờ có sản xuất vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, với việc Iran quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân sau hơn 1 năm ngừng trệ là một tín hiệu tích cực nhằm tránh xảy ra một cuộc chiến tranh hao người tốn của.

Còn quá sớm để nói liệu cuộc họp lần này có mang lại một kết quả tích cực. Tuy nhiên dù sao đi nữa thì điều mà tất cả các bên cũng như cộng đồng quốc tế kỳ vọng, đó là bàn đàm phán Istanbul sẽ làm dịu bớt những lo ngại về khả năng bùng nổ “thùng thuốc súng” ở khu vực Trung Đông.

Theo VOV