Iran sẽ là cường quốc hạt nhân trong tương lai gần?
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) vừa đưa ra báo cáo, phân tích về Cán cân Sức mạnh Quân sự các nước Vùng Vịnh thông qua thống kê về quân số và các trang thiết bị quân sự. Theo đó, báo cáo của CSIS nhận định Iran có thể sẽ nổi lên là một cường quốc hạt nhân trong vòng 3 - 5 năm tới.
Theo CSIS, sức mạnh quân sự Vùng Vịnh do 5 nhóm lực lượng cơ bản chi phối bao gồm: Các quốc gia Nam Vùng Vịnh, Iran, Iraq; các cường quốc bên ngoài như Mỹ; cùng với các lực lượng phi nhà nước như Al Qaeda; lực lượng du kích Mahdi và các lực lượng “bộ lạc” khác. Xu hướng về tiềm lực và khả năng quân sự của các lực lượng này ảnh hưởng đến cán cân quân sự khu vực Vùng Vịnh.
Iran được cho là có lực lượng tên lửa và rocket tầm xa đang phát triển Báo cáo của CSIS phân tích, các quốc gia Nam Vùng Vịnh hiện có nguồn lực quân sự lớn và nhiều nước đang tiến hành các hợp đồng mua vũ khí lớn. Mặc dù, tiềm lực quân sự của các quốc gia này trên thực tế chỉ có giới hạn, và các quốc gia Nam Vùng Vịnh cũng mới chỉ có bước tiến hạn chế về khả năng phòng thủ tập thể và hiệp đồng tác chiến, tuy nhiên, điều này đang thay đổi bằng các nỗ lực hợp tác với Mỹ, Anh và Pháp trong sứ mệnh ngăn chặn và kiềm chế Iran.
Hiện nay, chính Mỹ mới là lực lượng chi phối cán cân sức mạnh quân sự Vùng Vịnh, cùng với các đồng minh như Anh và Pháp. Tuy nhiên, năng lực hoạt động trên đất liền của Mỹ vẫn còn những hạn chế. Điều này khiến Mỹ sẽ phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều trong việc đối phó với một chiến dịch được lên kế hoạch kỹ cho môi trường tác chiến bất đối xứng ở Vùng Vịnh so với thực tế chiến đấu của một cuộc xung đột thông thường.
Theo CSIS, Iran có tiềm lực quân sự lớn và sẵn sàng cho các cuộc chiến “bất thường và bất đối xứng”. Iran có lực lượng tên lửa và rocket tầm xa đang phát triển, và có thể nổi lên như một cường quốc hạt nhân trong vòng từ 3 đến 5 năm tới. Tuy nhiên, các lực lượng tác chiến thông thường khác của Iran tiếp tục bị tụt hậu, thiếu tính đồng bộ và khả năng sẵn sàng chiến đấu thấp. Hiện năng lực tổng thể của lực lượng này đang dần bị suy yếu.
Trong khi đó, lực lượng quân sự của Iraq vẫn đang trong quá trình xây dựng và chủ yếu đang tập trung vào các nhiệm vụ chống nổi dậy. Iraq đã mất gần như toàn bộ vũ khí hạng nặng trong cuộc chiến với Mỹ năm 2003. Trong thời điểm bắt đầu quá trình thay thế các loại vũ khí này, Iraq sẽ chưa có khả năng độc lập tác chiến trong một cuộc chiến tranh thông thường quy mô lớn trong ít nhất là từ 3 - 5 năm tới.
Thêm vào đó, các lực lượng phi nhà nước có một vai trò ngày càng tăng trong việc định hình trạng thái an ninh khu vực Vùng Vịnh, nhưng vẫn chưa có đủ năng lực ngoài khả năng tiến hành các cuộc tấn công bất đối xứng “cấp độ thấp” và “khủng bố”. Tuy nhiên thực tế này có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới. Lực lượng Al-Qaeda ở bán đảo Arab đã tạo được lợi thế từ bất ổn chính trị ở Yemen.
Bên cạnh đó, Al-Qaeda ở Mesopotamia và các lực lượng du kích khác có thể đã có được hưởng lợi từ bất ổn và chia rẽ chính trị đang gia tăng ở Iraq. Ngoài ra, Bahrain có thể sẽ rơi vào trạng thái nội chiến. Đặc biệt, bất đồng và xung đột giữa các dòng người Sunni và Shiite trong khu vực có thể sẽ châm ngòi cho sự phát triển các lực lượng phi nhà nước mới.
Với những yếu tố vừa nêu, những phân tích của CSIS cho rằng, khả năng Iran trở thành cường quốc về hạt nhân trong tương lai gần là hoàn toàn có thể.
Theo VOV