Iran khẳng định sẵn sàng hợp tác với IAEA về chương trình hạt nhân
(BDO)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Naser Kanani tại cuộc họp báo ở Tehran, Iran.
Ngày 12/9, Iran đã tái khẳng định sẵn sàng hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), sau khi cơ quan này tuyên bố không thể đảm bảo bản chất hòa bình trong chương trình hạt nhân của Tehran.
Cùng ngày, ban lãnh đạo IAEA đã nhóm họp tại Vienna (Áo).
Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani nêu rõ Iran sẵn sàng hợp tác với IAEA để "xóa bỏ những quan điểm sai lầm và phi thực tế liên quan đến các hoạt động hạt nhân hòa bình của nước này."
Quan chức này nhấn mạnh Tehran sẵn sàng tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với IAEA và kỳ vọng cơ quan này sẽ có động thái tương tự.
Người phát ngôn Kanani cho biết hiện vẫn chưa có dự thảo nghị quyết nào được trình lên cuộc họp, đồng thời cảnh báo bất kỳ hành động "thiếu tính xây dựng" nào hơn nữa của IAEA sẽ không mang lại kết quả hữu ích.
Trước đó, theo báo cáo do IAEA công bố ngày 7/9, Iran đã tiếp tục làm giàu urani trên ngưỡng giới hạn mà thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 đề ra, với lượng urani tích trữ cao gấp 19 lần so với mức giới hạn trong thỏa thuận.
IAEA kết luận rằng tính đến ngày 21/8, lượng urani mà Iran tích trữ ước tính vào khoảng 3.940 kg, tăng 131,6 kg so với báo cáo của quý trước. Trong giai đoạn này, lượng urani làm giàu tới 60% đã tăng thêm 12,5kg lên 55,6 kg.
IAEA cũng nhấn mạnh cơ quan này không thể đảm bảo "bản chất hòa bình" của chương trình hạt nhân Iran, khi không có bất kỳ "tiến bộ nào" trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng liên quan vật liệu hạt nhân tại những địa điểm chưa được công bố.
Cũng trong báo cáo trên, IAEA đề cập đến quyết định của Iran vào tháng 6 về việc ngắt kết nối 27 camera cho phép các thanh sát viên của cơ quan này giám sát các hoạt động hạt nhân của nước này.
IAEA cho rằng động thái trên cản trở IAEA trong việc xác nhận "bản chất hòa bình" của chương trình hạt nhân Iran.
Từ trước tới nay, chính quyền Tehran luôn khẳng định chính sách chiến lược là tìm cách sử dụng công nghệ hạt nhân vì các mục đích hòa bình.
Thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran và các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga) cùng Đức ký kết vào tháng 7/2015, theo đó, Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc các lệnh trừng phạt quốc tế được nới lỏng.
Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Sau 16 tháng Mỹ và Iran tiến hành đàm phán gián tiếp thông qua các quan chức Liên minh châu Âu (EU), ngày 8/8, EU đã đưa ra bản dự thảo "văn bản cuối cùng" về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Bản dự thảo này xác định các bước mà Iran và Mỹ sẽ phải thực hiện để quay trở lại việc tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân./.
Theo TTXVN