Im là ổn?
Cách đây vài ngày, bản thân tôi có dịp chứng kiến một câu chuyện đáng lưu tâm, chỉ xin được kể ra đây để mọi người cùng suy ngẫm.
Ngồi chờ gần ở quán nước tại bến xe để đón đứa cháu ở quê vào chơi, tôi bắt chuyện với một cụ bà độ khoảng 70 tuổi. Có lẽ nghe tôi nói lấy vợ miền Trung nên cuộc nói chuyện giữa tôi và bà cụ diễn ra khá cởi mở.
Bà cho biết quê ở Hà Tĩnh, vào chơi hè với con gái tên Linh là chủ tiệm quán nước này. Chúng tôi mải chuyện trò thì một phụ nữ bước vào. Chị này ăn mặc lịch sự, trạc chừng 35 tuổi, có vẻ như là bạn của con gái bà cụ. Khi nhìn thấy bà cụ, người phụ nữ cất tiếng chào hỏi: “Bà mới vào chơi à? Bà cho con hỏi có chị Linh ở nhà không?”.
Bà cụ ngay lập tức vừa xua tay vừa trả lời: “Ở đây chẳng có ai tên Linh cả”. Chị này sững lại, nhưng sau đó dường như hiểu ra một điều gì đó, chị cười, chào bà cụ rồi quay đi, hẹn lúc khác quay lại để tìm chị Linh.
Người phụ nữ đi khuất, tôi quay sang hỏi bà cụ: “Bác ơi, chị ấy hỏi chị Linh. Bác nói con gái bác tên Linh mà?”. Bà cụ liền giải thích: “Con gái tôi dặn, sống ở thành phố, im lặng là tốt nhất. Người lạ hỏi gì thì tốt nhất là không nên trả lời”.
Đón đứa cháu xong, chúng tôi lên đường về Bình Dương. Do lâu quá không xuống khu vực này, đường sá thay đổi nhiều, tôi không nhớ đường lắm.
Ở ngã tư đèn đỏ, tôi quay sang hỏi đường một anh bên cạnh. Anh này nhìn tôi với vẻ hoài nghi rồi phóng xe chạy thẳng. Đứa cháu tôi thấy vậy hỏi: “Sao kỳ vậy dượng?”. Tôi trả lời: “Họ áp dụng chiến lược im là ổn cháu ạ”.
Xâu chuỗi chuyện của bà cụ, chuyện của tôi, rồi chuyện đọc gần đây trên báo thấy nhiều nạn nhân chia sẻ rằng bị cướp dàn cảnh đánh trên đường, tri hô kêu cứu nhưng chẳng ai giúp đỡ. Lòng chợt nghe buồn.
SONG ANH