Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương:

“Hy vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được những bất cập liên quan đến đất đai về tín ngưỡng và tôn giáo… ”

Thứ tư, ngày 01/03/2023

(BDO) Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, rõ nghĩa và thực tế hơn so với Luật Đất đai năm 2013. Nếu dự thảo được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực đất đai nói chung và vấn đề đất đai liên quan tín ngưỡng tôn giáo nói riêng.

Dự thảo luật đã quy định rất rõ về những điều khoản như Nhà nước giao đất không thu tiền, cấp quyền sử dụng đất đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có đất đang sử dụng ổn định; quy định về thu hồi đất có đền bù và thu hồi đất không đền bù... Một số quy định mới như đất kết hợp đa mục đích, đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được thuê đất; cấp quyền sử dụng đất đối với cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là chùa, đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ...

Tuy nhiên, một số từ, cụm từ và khái niệm trong dự thảo luật có liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo chưa được thể hiện rõ, điều này sẽ dẫn đến những nhận thức khác nhau khi thực hiện theo từng địa phương, hoặc có sự chồng chéo đến Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016.

Do đó, đề nghị cần có điều khoản chuyển tiếp để xử lý những tồn tại của luật cũ trong thực hiện luật mới; dự thảo luật cần quy định rõ hoặc chi tiết hóa trong nghị định sau khi luật có hiệu lực thi hành. Cụ thể như: Đất kết hợp đa mục đích có yếu tố du lịch tâm linh cần giải thích rõ về yếu tố tâm linh; cấp quyền sử dụng đất đối với cộng đồng dân cư có chùa, đình, đền, am, miếu, nhà từ đường, nhà thờ họ; khái niệm về “khu rừng tín ngưỡng”…

Trong thực tế, qua 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, đến nay có nhiều điều bất cập và sự nhận thức khác nhau đối với người thi hành giải quyết, xử lý đất đai liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, như việc giao đất, cấp quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự, vấn đề giải tỏa đất tôn giáo, đền bù, không đền bù... Chính vì vậy, kinh nghiệm trong thực tế, chúng tôi thấy rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cơ bản rõ hơn, thực tế hơn và có những điểm mới được quy định trong dự thảo. Điều này sẽ giải quyết được những tồn đọng bất cập trong thời gian qua về đất đai liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo…

QUỲNH NHƯ (ghi)