Hy Lạp dậy sóng
Người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở của ERT.
Gần 3.000 người khốn đốnQuyết định trên có hiệu lực ngay lập tức, buộc ERT phải chính thức ngừng phát sóng sau chương trình cuối cùng vào lúc 23 giờ tối 11-6 (theo giờ địa phương). Theo AFP, quyết định của Chính phủ Hy Lạp làm ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 2.700 nhân viên làm việc cho ERT. Hàng ngàn nhân viên đã đến “đại bản doanh” ERT ở phía Bắc Athens để phản đối quyết định mà họ cho là “giết chết truyền thông” chỉ ít lâu sau khi có thông báo.
Người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Simos Kedikoglou cho biết quyết định đóng của ERT đã được đưa ra từ 6 tuần trước, không hề liên quan đến việc Athens không thể bán được công ty khí đốt hay các chủ nợ EU, IMF đến đánh giá thường kỳ tiến trình thực hiện chương trình khắc khổ và cải tổ cơ cấu của Hy Lạp. Lý do, ERT là trường hợp điển hình về sự thiếu minh bạch, chi tiêu hoang phí và tình trạng này phải chấm dứt.
* Trước làn sóng phẫn nộ của dư luận, hãng tin Reuters cho biết Chính phủ Hy Lạp cam kết sẽ cho ERT hoạt động trở lại sớm nhất trong vài tuần tới hoặc chậm nhất là đầu mùa thu. Tuy nhiên, theo ông Kedikoglou, ERT sẽ được tái cơ cấu để vận hành tốt hơn với điều kiện tài chính “khỏe mạnh” hơn.
Theo ông Kedikoglou, chi phí để duy trì hoạt động ERT mỗi năm vào khoảng 300 triệu EUR. Đài sẽ hoạt động trở lại theo một cơ chế mới và sử dụng ít nhân lực hơn. Các nhân viên của ERT sẽ được bồi thường và họ sẽ được xem xét trong kế hoạch cơ cấu cơ quan truyền thông này.
Chia rẽ trong chính phủ
Quyết định trên của Chính phủ Hy Lạp đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghiệp đoàn, trong đó có Công đoàn GSEE, nghiệp đoàn lớn nhất đại diện cho nhân viên làm việc trong khu vực công của Hy Lạp. Ilias Iliopoulos, Tổng thư ký nghiệp đoàn ADEDY cho biết các nghiệp đoàn sẽ cùng nhau tham gia biểu tình vào ngày hôm nay, 13-6, để thể hiện sự đoàn kết, ủng hộ ERT, chống lại quyết định đóng cửa của chính quyền Athens. EBU, liên minh của 56 cơ quan truyền thông nhà nước tại châu Âu, đã gửi thư cho Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras, hối thúc ông sử dụng thẩm quyền của mình để đảo ngược quyết định đóng cửa ERT.
Tuy nhiên, theo Reuters, điều nguy hiểm nhất của lệnh cấm hoạt động ERT đó là có khả năng gây chia rẽ trong nội bộ chính phủ liên minh mong manh của Hy Lạp khi đảng Pasok - một đối tác trong liên minh 3 đảng - đã phản đối quyết định trên. Yannis Maniatis, một quan chức cấp cao của PASOK tuyên bố việc đóng cửa ERT là điều không thể và cảnh báo liên minh sẽ “không thể hợp tác theo kiểu “việc đã rồi” như thế này”.
Trong khi đó, đảng đối lập chính tại Hy Lạp là Syriza nhân dịp này công kích chính quyền Athens. Thủ lĩnh Syriza Alexis Tsipras coi quyết định trên là “một cuộc lật đổ, cấm đoán truyền thông hoạt động” và “không chỉ xâm phạm lợi ích các nhân viên của ERT và còn cả người dân Hy Lạp”. Còn người dân Hy Lạp, họ đã thể hiện sự bất bình khi rất nhiều chương trình của ERT là món ăn tinh thần không thể thiếu. Họ lên án chính quyền Athens bất lực, để các chủ nợ kiểm soát và điều hành đất nước.
Theo SGGP