Hy Lạp: Chính phủ lao đao vì bê bối nghe lén
(BDO) Quốc hội Hy Lạp đang tiến hành cuộc điều tra về vụ bê bối gián điệp liên quan đến chính phủ sau khi các nghị sĩ châu Âu kêu gọi điều tra về việc sử dụng phần mềm theo dõi điện thoại các chính khách đối lập trong thời gian họ làm nghị sĩ châu Âu.
Cuộc điều tra do đảng trung tả PASOK đề xuất hôm 29-8 và nhận được sự ủng hộ của toàn bộ phe chính trị đối lập sau khi có thông tin tiết lộ rằng thủ lĩnh của đảng này là ông Nikos Androulakis bị theo dõi trong thời gian ông làm nghị sĩ châu Âu. Nghị sĩ Haris Kastanidis thuộc đảng PASOK còn đề nghị thêm rằng cuộc điều tra không nên chỉ giới hạn ở việc nghe lén ông Androulakis. Ông này nói rằng các cáo buộc nghe lén được đưa ra bởi đảng KKE cũng như việc các nhà báo bị nghe lén cũng phải được giải quyết.
Đương kim Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis.
Các nghị sĩ châu Âu thuộc phái tự do và cánh tả cũng cáo buộc chính phủ trung hữu của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis che đậy vụ việc nghe lén và đang thúc giục Nghị viện châu Âu phái một ủy ban điều tra đến Hy Lạp để tìm hiểu thực tế. Các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Mới (ND) cầm quyền đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu hôm 29-8, nhưng bên ngoài hội trường họ đã tuyến bố ủng hộ cuộc điều tra với danh nghĩa nhằm cải tổ cơ quan tình báo quốc gia Hy Lạp (EYP).
Sophie In t Veld, nữ chính khách người Hà Lan đứng đầu Ủy ban PEGA của Nghị viện châu Âu xem xét việc sử dụng phần mềm gián điệp độc hại cho rằng vụ bê bối nghe lén “có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”. Bà Sophie vạch ra rằng, Chính phủ Hy Lạp một mặt tuyên bố họ vô tội nên họ không có gì phải che giấu, mặt khác lại rất miễn cưỡng làm sáng tỏ toàn bộ vấn đề - “Cho đến nay, tất cả các động thái của họ trong thời gian qua đều nhằm che đậy mọi thứ”.
Vụ Androulakis đã được đưa ra điều trần hôm 30-8 khi Ủy ban PEGA gồm 38 thành viên tổ chức phiên điều trần đầu tiên trong hai phiên điều trần trong tuần này về “phần mềm gián điệp chống lại công dân”.
Trước vụ Androulakis, vào đầu năm nay cũng đã xôn xao dư luận rằng điện thoại của nhà báo tài chính Thanasis Koukakis bị theo dõi bằng phần mềm gián điệp Predator, được sản xuất bởi Cytrox, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Macedonia. Phần mềm độc hại này có khả năng đọc dữ liệu mã hóa và biến điện thoại di động thành thiết bị nghe. Đây cũng chính là phần mềm được sử dụng để theo dõi ông Androulakis. Tuy nhiên, nỗ lực tấn công ông Androulakis đã thất bại do ông không kích hoạt được nút clickbait cần thiết để kích hoạt nghe lén. Phần mềm nghe lén bị phát hiện khi ông Androulakis mang chiếc điện thoại di động của mình đến bộ phận an ninh mạng của Nghị viện châu Âu để kiểm tra định kỳ. Sau đó người ta phát hiện ông Androulakis là mục tiêu theo dõi của EYP.
Vụ bê bối có nguy cơ gây xáo trộn chính trị Hy Lạp trong thời gian chuẩn bị bầu cử vào năm tới. Hôm 30-8, một cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra giữa cựu Thủ tướng Alexis Tsipras và Thủ tướng đương nhiệm Mitsotakis tại quốc hội. Ông Tsipras, người đứng đầu phe đối lập chính, đã kêu gọi Thủ tướng Mitsotakis từ chức. Ông Mitsotakis, 54 tuổi, đã thề sẽ tại nhiệm đến hết nhiệm kỳ 4 năm của mình, với lý do cần có sự ổn định vào thời điểm bất ổn toàn cầu và căng thẳng gia tăng với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông một mực cho rằng mình không biết về hoạt động nghe lén.
Ông Androulakis cho rằng Chính phủ Hy Lạp đã sử dụng “các hoạt động đen tối” từng được chế độ quân phiệt sử dụng khi lên nắm quyền vào năm 1967 khiến đất nước rơi vào “7 năm cai trị đen tối”.
Thủ tướng Mitsotakis đã chối bỏ mọi cáo buộc cho rằng Predator được các nhà chức trách Hy Lạp sử dụng. Tuy nhiên, trong một bước đi bất ngờ, Văn phòng Tổng thống lại công bố việc Giám đốc EYP Panagiotis Kontoleon từ chức, đồng thời còn đi xa hơn với việc công khai “trừng phạt” cơ quan tình báo và Grigoris Dimitriadis, cháu trai của thủ tướng và là tham mưu trưởng quân đội vì “hành động không đúng”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Mitsotakis cũng cho rằng vụ việc tiết lộ nghe lén là hành động của “thế lực đen tối” nhằm gây bất ổn cho Hy Lạp. Các quan chức trong chính phủ của ông Mitsotakis còn cáo buộc các cơ quan tình báo Ukraine và Armenia đã ra lệnh thực hiện việc nghe lén. Ngay lập tức, cáo buộc này đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía những người bị “vu oan”.
Cả Đại sứ Ukraine và Armenia tại Athens đã phủ nhận gay gắt lời buộc tội “vô can cứ” của Văn phòng Tổng thống Hy Lạp, thêm một bằng chứng nữa cho thấy chính quyền Hy Lạp không trong sạch. Các nhà ngoại giao đã phản ứng với sự phẫn nộ trước những gợi ý rằng quốc gia của họ đã yêu cầu nghe lén. Đặc phái viên của Kyiv Sergii Shutenko mô tả những tuyên bố này là “hết sức phi thực tế”. Đại sứ Armenia Tigran Mkrtchyan còn đi xa hơn, gọi cáo buộc này là “một lời nói dối vô liêm sỉ”. Ông nói: “Armenia chưa bao giờ yêu cầu bất kỳ chính phủ nào nghe lén điện thoại của bất kỳ ai”.
Các nhà phân tích tỏ ra ngạc nhiên khi không có bất kỳ nỗ lực nào giải thích tại sao Androulakis và nhiều cá nhân khác ở Hy Lạp bị theo dõi. Dưới thời Thủ tướng Tsipras, việc nghe lén cũng gia tăng với việc chính phủ khi đó đang thực hiện từng bước giảm số lượng công tố viên cần phải phê duyệt giấy phép. Phát biểu trước quốc hội hôm 29-8, thay mặt đảng Dân chủ Mới cầm quyền, nghị sĩ Dimitris Keridis cho biết cuộc điều tra cũng nên bao gồm thời kỳ Syriza nắm quyền. Ủy ban điều tra sẽ tiến hành các phiên họp kín do các nghị sĩ đảng ND kiểm soát.
Theo CAND