Huỳnh Thanh Sơn - Người anh hùng trên hai mặt trận

Thứ sáu, ngày 19/12/2014

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2014), chúng tôi gặp lại Anh hùng Lao động Huỳnh Thanh Sơn, thương binh 1/4, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu và Xây dựng Bình Dương (Công ty M&C). Trong suốt 35 năm gắn bó và làm Giám đốc Công ty M&C, ông đã góp phần lớn đưa công ty gặt hái nhiều thành công trong quá trình phát triển kinh doanh, dẫn đầu ngành sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng của tỉnh Bình Dương.

(BDO)

Sau hàng chục năm cống hiến cho quê hương, đất nước, nay Anh hùng Lao động Huỳnh Thanh Sơn an nhàn khi về hưu. Ảnh: H.VĂN

Luôn tìm tòi hướng đi mới

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Phú An, TX.Bến Cát, Bình Dương nên ông Huỳnh Thanh Sơn đã sớm giác ngộ cách mạng. Trong quá trình tham gia chiến đấu ở các chiến trường miền Đông Nam bộ, ông đã tham gia 12 trận đánh lớn nhỏ. Qua các trận đánh ông đã tiêu diệt 12 xe tăng và xe bọc thép của Mỹ, 32 lính Mỹ, được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp ưu tú, “Dũng sĩ diệt xe tăng”. Trong trận đánh cuối cùng ngày 4-6-1969 ông đã bị thương cột sống. Di chứng này về sau đã làm cho chân của ông teo dần, đi lại rất khó khăn.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Sơn xin trở lại quê nhà công tác. Ông được đề bạt làm Giám đốc Xí nghiệp đá Châu Thới, tiền thân của Công ty M&C bây giờ. Ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới ông luôn xác định rằng cuộc đời sẽ bước sang một trang sử mới, đó là xây dựng kinh tế, lãnh đạo đơn vị phát triển. Từ đó, người dân vùng Dĩ An thường bắt gặp hình ảnh một vị giám đốc thương binh có những bước đi khập khiểng luôn gần gũi với công nhân.

Năm 1975, sau khi tiếp quản một cơ sở ọp ẹp, có vài chục công nhân, ông Sơn luôn trăn trở, tìm tòi chiến lược, sách lược cho những bước tiến mới. Nhiều đêm ông đã thức trắng suy nghĩ cách thay đổi tình hình, làm sao lột xác được một cơ sở sản xuất tuy nhỏ nhưng lại có nhiều tiềm năng. Năm 1989, xí nghiệp được nâng cấp thành công ty. Chưa hài lòng với những gì đã có, ông Sơn tiếp tục tổ chức nhiều cuộc họp, lấy ý kiến từng người trong công ty để tìm cách sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập cho người lao động. Với trách nhiệm của người “lèo lái” công ty, ông đã không ngừng học tập kiến thức từ sách vở, kinh nghiệm từ các đơn vị ăn nên làm ra nhằm đưa ra nhiều phương án đổi mới mô hình sản xuất, với những cách làm sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Nỗ lực hết mình

Các phương án mà ông đưa ra lúc bấy giờ và hiện nay vẫn còn nguyên giá trị tại Công ty M&C đó là: Điện khí hóa toàn doanh nghiệp nhằm giảm chi phí nung gạch bằng củi, vốn gây ô nhiễm môi trường; cơ giới hóa đồng bộ khâu khai thác lên trên 4.200 mã lực; tự động hóa khâu sản xuất gạch ngói bằng công nghệ hiện đại nhập từ châu Âu; đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm cho phù hợp với cơ chế thị trường. Trong thời gian này ông Sơn tiếp tục xin lãnh đạo tỉnh cho công ty mở rộng lĩnh vực hoạt động sang xây dựng nhà, cầu đường, khu thương mại, du lịch… Ở lĩnh vực nào ông Sơn cũng đều lãnh đạo công ty đi đến thành công. Với sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo của ông, trong 35 năm xây dựng và phát triển, Xí nghiệp đá Châu Thới ngày nào đã lột xác trở thành một công ty quốc doanh lớn mạnh bậc nhất tỉnh Bình Dương.

Mặc dù đã về hưu nhưng tâm nguyện của ông là tiếp tục góp ý cho các thế hệ kế thừa phải thường xuyên quan tâm đến đời sống cán bộ, công nhân lao động. Bởi ông quan niệm rằng, chỉ có phát huy tốt yếu tố con người thì mới tạo nền tảng cho những thành công tiếp theo. Vì vậy, hàng năm ngoài việc nâng lương định kỳ, công ty còn tổ chức tốt các kỳ nghỉ dưỡng, hoạt động thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ dành cho người lao động. Song song đó, Đảng ủy công ty thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho gia đình cán bộ, công nhân lao động gặp khó khăn, giải quyết vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp… Từ đó, người lao động mới gắn bó lâu dài với công ty.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Công ty M&C đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Trong đó, phần thưởng đáng kể nhất là ông đã góp công sức để công ty vinh dự đón nhận danh hiệu anh hùng thời kỳ đổi mới. Riêng bản thân ông được phong tặng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; năm 1998 ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

Chia sẻ với chúng tôi về bí quyết giúp ông thành công, ông Sơn nói: “Làm việc cho Nhà nước phải làm bằng cái tâm trong sáng, không vụ lợi; phải nỗ lực, quyết tâm hết mình; phải làm cho doanh nghiệp và công nhân trong doanh nghiệp cùng phát triển”.

HỒ VĂN