Huyền thoại một con đường – Bài 7

Thứ tư, ngày 15/05/2019

(BDO) Bài 7: Tìm nhau

Nóng lòng gặp nhau là tâm trạng chung của các đội xoi mở con đường năm xưa. Bởi đã quá thời gian dự kiến mấy tháng trời, lương thực thì đã cạn, mà các đội của B4 và C.200, C.270 vẫn chưa gặp được nhau...

 Người đầu tiên ngã xuống

Ngôi nhà của ông Nguyễn Đình Biên, Bí thư Chi bộ ấp Lý Lịch I, xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, suốt 12 năm qua đã trở thành địa điểm tổ chức đám giỗ ông Trần Văn Thời, liệt sĩ đầu tiên của Đoàn B.90 hy sinh vì sự nghiệp mở đường Hồ Chí Minh cuối dãy Trường Sơn, đoạn từ nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ.

60 năm - cũng có thể gọi là một đời người, những người thanh niên vạm vỡ năm xưa, nay trẻ nhất cũng đã bước sang tuổi 80. Chân run da mồi, nhưng cái nghĩa, cái tình vẫn còn vương mãi, bởi họ đã vào sinh ra tử cùng nhau. Cũng vì cái nghĩa, cái tình ấy mà sau ngày về hưu ông Ao Sỹ, nguyên chiến sĩ Đoàn B.90, Chánh văn phòng B4 không chọn cuộc sống nhàn nhã như bao người mà lặn lội đi tìm đồng chí, đồng đội, trèo đồi, lội suối để cắm mốc từng căn cứ, từng nơi mà đoàn đã đi qua.

Ông Ao Sỹ kể, khi tham gia Đoàn B.90 một tiêu chuẩn đặc biệt là “không có vợ con và người yêu ở miền Bắc” để khi lên đường không bận bịu hậu phương. Ông Trần Văn Thời, khi ấy có người yêu nhưng giấu tổ chức để gia nhập đoàn. Thông tin không ai biết, ông Trần Văn Thời chỉ tâm sự với ông Ao Sỹ và cũng luôn được giữ bí mật. Sau ngày về hưu, vợ chồng ông Ao Sỹ về địa chỉ mà ông Trần Văn Thời nói để tìm người yêu của đồng đội mình. Nhưng người ấy đã có gia đình riêng nên ông Ao Sỹ lặng lẽ trở về và giữ bí mật cho đến hôm nay. Cũng kể từ đó, căn nhà của ông Nguyễn Đình Biên, Bí thư Chi bộ ấp Lý Lịch I, xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai được chọn làm nơi tổ chức đám giỗ cho ông Trần Văn Thời vì ông không còn gia đình, vợ con.

Ông Nguyễn Đình Biên chia sẻ: “Chú Trần Văn Thời là người Kinh nhưng khi về đây sinh sống, khi tham gia cách mạng làm lý lịch thì ghi là đồng bào dân tộc. Đồng bào dân tộc chúng tôi rất tự hào vì có một liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp mở đường Trường Sơn. Nên 12 năm nay, mỗi năm, gia đình tôi cùng các chú, các bác cùng đơn vị với chú Trần Văn Thời đã đứng ra tổ chức đám giỗ cho chú ấy”.

Vàm Đak R’Tik - nơi Trung ương chỉ định hai đoàn B.90 và C.200 gặp nhau

Và như một sự liên kết, ông Ao Sỹ lại nhớ về những ngày “vạch lá, bẻ cò” năm 1960. Ông kể, cuối tháng 6-1960, Ban cán sự B4 nhận được tin, ở phía Nam đã tổ chức bộ phận mở đường từ Chiến khu Đ ra, Đội 1 cố gắng mở đường để hai bên bắt liên lạc với nhau vào cuối tháng 7-1960. Để thực hiện nhiệm vụ này, B4 tăng cường cho Đội 1 hai cán bộ là Phạm Văn Lạc, nguyên đoàn phó B.90 và Trần Văn Thời, y tá. Tại buôn Bu Sa Nar, tổ xung kích của Đội 1 gồm: Phạm Văn Lạc (mũi trưởng), Phạm Văn Nhường (mũi phó) và Trần Văn Thời, Hoàng Minh Đỏ, Nguyễn Văn Định đến buôn Păng Soai, mở đường vượt Hang Nor, Phi Gur cắt thẳng xuống sông Đồng Nai.

Theo quy định từ trước, địa điểm hai đoàn gặp nhau là tại vàm suối lớn. Nhưng điều này khó thực hiện bởi miền Nam đã vào mừa mưa, suối lớn, suối nhỏ đều đầy nước không phân biệt được. Hơn nữa, rừng núi hiểm trở, dốc đứng và rất cao, đường xuống vàm rất khó đi, chỉ cần sơ sẩy là nguy hiểm đến tính mạng. Đường dài gian khổ, lại thiếu ăn nên sức khỏe cán bộ, chiến sĩ suy yếu nhiều.

 Đồng chí, đồng đội năm xưa thắp nhang tưởng nhớ đồng chí Trần Văn Thời tại bia ghi công liệt sĩ xã Phủ Lý

Tháng 7, vàm sông Đak R’Tik nước chảy xiết, không thể bơi qua được, gạo lại sắp hết, ông Phạm Văn Nhường và Nguyễn Văn Định quay về căn cứ lấy gạo. Ông Phạm Van Lạc, Hoàng Minh Đỏ (Ama Đen) và Trần Văn Thời ở lại bờ vàm Đak R’Tik chờ lương thực và tìm cách vượt sông. Tháng 9, cơn mưa rừng dai dẳng, có khi 2, 3 ngày chưa thấy mặt trời. Nước sông dâng cao khó lòng vượt qua được, nhưng vì lương thực đã cạn và các thành viên của đội nóng lòng mở đường về Nam, vì vậy y tá Trần Văn Thời đã hiến kế và xung phong bơi qua sông. Nước sông chảy xiết, sức người có hạn… nên ông Trần Văn Thời đã anh dũng hy sinh khi mới bước qua tuổi đôi mươi. Ông là liệt sĩ đầu tiên của Đoàn B.90 hy sinh vì sự nghiệp mở đường Hồ Chí Minh cuối dãy Trường Sơn, đoạn từ nam Tây nguyên đến Đông Nam bộ. Ghi nhận công lao của ông Trần Văn Thời, xã Phủ Lý đã trang trọng khắc tên Trần Văn Thời lên bia ghi công liệt sĩ của xã.

Mũi xung kích của Đoàn B.90, sau sự kiện chiến sĩ Trần Văn Thời hy sinh tạm thời lui về căn cứ ở Bu Sa Nar chờ đợi tin tức từ phía Nam. Tại đây, đoàn được Ban cán sự B4 cho biết Đoàn C.200 mở đường từ Nam ra, đã có tổ trinh sát đến vùng Vàm Đak R’Tik.

Từ những ám hiệu

Những ngày tháng 10- 1960, cơn mưa cuối mùa thưa dần, nước sông từ từ hạ thấp, bớt chảy xiết. Đoàn C.200 đóng quân ở rừng Bù Sa Ya, vừa tổ chức vũ trang tuyên truyền, vận động nhân dân giác ngộ cách mạng, vừa tiếp tục tổ chức trinh sát, tìm kiếm dấu vết của Đoàn B.90. Tổ trinh sát của Nguyễn Thanh Tâm, Huỳnh Văn Cột, Hồ Minh Tư mang 5kg gạo và muối vượt sông sang rừng Vàm R’Tik để chờ tìm, phát hiện dấu vết cán bộ, chiến sĩ Đoàn B.90 ở phía Bắc.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, nguyên chiến sĩ Đoàn C.200, cho biết: “Khoảng cuối tháng 8-1960, Đoàn C.200 phân công một bộ phận gồm 6 người tiếp cận bờ sông Đồng Nai Thượng để nắm tình hình. 3 đồng chí Nguyễn Thanh Tâm, Hồ Minh Tư và Huỳnh Văn Cột bơi qua sông để bắt liên lạc với Đoàn B.90. Đi cặp bờ sông chừng 1km, các đồng chí phát hiện dấu vết và nhận biết Đoàn B.90 đã vào đến nơi nhưng không tìm thấy. Dấu vết đó chính là những cây lồ ô được chặt từng đoạn dài khoảng 3m, rải liên tiếp ở lòng suối cạn và có những khúc củi cháy dở đã tắt, đầu củi tắt cháy dở chĩa ra ngoài. Đây chính là ám hiệu để hai đoàn B.90 và C.200 gặp nhau”. Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, dấu vết này chỉ là của cách mạng ta, bởi địch sẽ không cẩn thận như thế, còn đồng bào dân tộc thì không nấu nướng kiểu thế này.

Về phía mũi xung kích của Đoàn B.90, sau sự kiện chiến sĩ Trần Văn Thời hy sinh vì bị nước lũ cuốn trôi, tạm thời lui về căn cứ bàn đạp ở Bu Sa Nar báo cáo tình hình. Tại đây, đoàn được Ban cán sự B4 cho biết Đoàn C.200 mở đường từ phía Nam ra đã có tổ trinh sát đến Vàm Đak R’Tik. Ám tín hiệu là lồ ô chặt từng đoạn dài chừng 3 thước, rải liên tiếp ở lòng suối cạn và có những khúc củi cháy dở đã tắt, đầu cũi cháy dở chĩa ra ngoài. Ngay sau khi được thông báo, một mũi xung kích gồm Phạm Văn Lạc, Phạm Văn Nhường, Hoàng Minh Đỏ tức tốc lên đường ngay trong đêm đến Vàm Đak R’Tik để tìm con suối cạn và ám tín hiệu của đoàn phía Nam.

Và thời khắc lịch sử đã đến. Đoàn C.200 với bao khó khăn vất vả, thiếu cơm lạt muối, kiên trì mở đường, xây dựng căn cứ địa, xây dựng cơ sở; cùng với Đoàn B.90 làm nên kỳ tích. (còn tiếp)

 THU THẢO