Huyền thoại một con đường – Bài 1

Thứ tư, ngày 08/05/2019
LTS: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã không ngại khó, ngại khổ và cả hy sinh… để làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại - một tượng đài sống mãi cùng lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Và hôm nay đây, đường Hồ Chí Minh lại trở thành con đường chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(BDO) Bài 1: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…

Cách đây tròn 60 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn 559 (tiền thân của Binh đoàn Trường Sơn) được thành lập với nhiệm vụ xây dựng đường vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam, tổ chức đưa người và vũ khí tiếp tế cho cách mạng miền Nam. Từ đây, con đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh hình thành, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy kể về thời gian làm Phó Tư lệnh Đoàn 559

Miền Nam cần chi viện

Những ngày tháng 5 lịch sử này, cùng với những ngày lễ lớn như Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5), kỷ niệm 129 năm Ngày sinh nhật Bác (19-5), cũng là dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn. Chúng tôi, thế hệ sinh ra sau chiến tranh có dịp đi tìm những nhân chứng một thời gắn bó với đường Hồ Chí Minh huyền thoại, để nghe lại những kỷ niệm, những hồi ức một thời hào hùng đi chống Mỹ, cứu nước từ rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến...

Người đầu tiên trong cuộc tìm kiếm của chúng tôi là Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 559, người mà cả cuộc đời đã gắn với binh nghiệp. Năm 23 tuổi, ông tham gia nhiều binh chủng: Bộ binh, không quân, hậu cần, xây dựng... Ông đã trực tiếp chỉ huy tuyến chi viện chiến lược của ta trên đường Trường Sơn và cũng trải qua nhiều khó khăn vất vả để tuyến đường hoạt động thông suốt. Hiện ông đang sinh sống trên chính con đường mang tên Trường Sơn ở TP.Hồ Chí Minh. Trên 90 tuổi, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng trí óc ông vẫn còn minh mẫn lắm.

Tiếp chúng tôi trong một buổi chiều rực nắng, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, kể: “Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền. Đảng ta lãnh đạo đồng thời hai cuộc cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và lãnh đạo nhân dân miền Nam tiếp tục đấu tranh hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ nhảy vào thay thực dân Pháp, dựng nên chế độ Việt Nam Cộng hòa, thực hiện âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Chúng thực hiện nhiều âm mưu thâm độc như tố cộng, diệt cộng, bắt bớ, trả thù những người kháng chiến và nhân dân yêu nước ở miền Nam. Chúng cho ra đời cái gọi là Luật 10-59, lê máy chém đi khắp nơi, đau thương tang tóc bao trùm...”

Đường Trường Sơn - tuyến vận tải huyền thoại. Ảnh: Tư liệu

Trước tình hình khó khăn của cách mạng miền Nam, Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra đời. Nghị quyết chỉ rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Nhiệm vụ chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang kết hợp để đánh đổ Mỹ - Diệm đặt ra yêu cầu, cần phải có sự chi viện toàn diện của miền Bắc cho cách mạng và nhân dân miền Nam. Để chi viện hiệu quả, một trong những nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là mở con đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, thông suốt từ Trung ương đến chiến trường Nam bộ để Trung ương kịp thời chi viện cho miền Nam về nhân, tài, vật lực. Được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 559 (sau gọi là bộ đội Trường Sơn) để làm nhiệm vụ ấy. Thiếu tướng Phan Khắc Hy, cho biết việc mở đường Trường Sơn vào miền Nam xuất phát từ ý chí, quyết tâm đấu tranh thống nhất nước nhà của toàn thể dân tộc, một chiến lược sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Đi không dấu…”

Ngày 19-5-1959, Thường trực Quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho đoàn công tác đặc biệt có mật danh là Đoàn 559, do Thượng tá Võ Bẩm làm trưởng đoàn có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Biên chế ban đầu là 500 cán bộ, chiến sĩ. Được tiếp cận cuốn hồi ký của Thiếu tướng Võ Bẩm, chúng tôi phần nào hiểu rõ hơn về việc thành lập Đoàn 559. Thiếu tướng Võ Bẩm viết: “Ngày đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ cũng là ngày sinh nhật lần thứ 69 của Bác… Và như một sự thống nhất biện chứng, con đường Trường Sơn được đoàn khai phá sau này được chiến sĩ, đồng bào cả nước gọi là đường Hồ Chí Minh”.

Dưới sự khảo sát, chỉ huy của Đoàn trưởng Võ Bẩm, điểm xuất phát đầu tiên của tuyến giao liên vận tải Trường Sơn được chọn là Khe Hó, một địa danh ở miền tây Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ đây, tuyến đường sẽ được phát triển theo hướng Tây Nam, vượt qua sông Bến Hải và tiếp tục đổ sang phía Tây Nam Thừa Thiên... Vì nguyên tắc tuyệt mật, tuyến giao liên ban đầu phải hoàn toàn tránh dân nên tướng Võ Bẩm và đồng đội của ông phải mở đường theo nguyên tắc: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Như vậy cuối năm 1959 tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh được thiết lập thực sự, là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam.

Đoàn 559 từ một đơn vị vận tải giao liên, bước đầu hình thành một lực lượng bộ đội hợp thành gồm: Vận tải, bộ binh, công binh, phòng không, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông, bảo đảm tuyến vận chuyển không ngừng phát triển từ đông Trường Sơn sang tây Trường Sơn, từ hậu phương lớn miền Bắc vào các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia, góp phần đưa cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng lên thế tiến công “đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, tự hào nói: “Xuân 1973, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm bộ đội Trường Sơn đã ghi vào sổ vàng truyền thống bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi. Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương. Đường Trường Sơn nhất định sẽ kéo dài và mở rộng. Chúng ta nhất quyết đi tiếp con đường đó cho đến thắng lợi hoàn toàn...”.

THU THẢO