Huyện Phú Giáo: Thương mại - dịch vụ trên đà phát triển
(BDO) Là địa phương có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng tương đối cao, tuy nhiên, thời gian qua sự phát triển của đô thị đã kéo theo lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TM-DV) có những bước phát triển đáng kể.
Kinh tế - xã hội đang phát triển đã thúc đẩy TM-DV trên địa bàn huyện Phú Giáo phát triển nhanh. Trong ảnh: Người dân mua hàng thiết yếu tại cửa hàng Bách hóa xanh, thị trấn Phước Vĩnh
Đáp ứng tốt nhu cầu
Ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết những năm trước đây hoạt động TM-DV trên địa bàn huyện phát triển chậm. Nguyên nhân do hệ thống giao thông chưa được mở mang nhiều, dân cư thưa thớt. Để hỗ trợ cho TM-DV phát triển, các cấp, các ngành quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các tầng xã hội đã tạo động lực cho các hộ gia đình, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển TM-DV.
Tại thị trấn Phước Vĩnh, nơi đóng chân của nhiều cơ quan hành chính, tập trung đông dân cư nên hoạt động TM-DV khá nhộn nhịp. Huyện Phú Giáo hiện có 7 chợ và hàng trăm hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TM-DV với nhiều ngành hàng. Ngoài những mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày, những cửa hàng kinh doanh vàng bạc, xe máy, hàng điện tử, sửa chữa ô tô cũng đã hình thành.
Chị Bùi Thị Diệu Huyền, ngụ tại khu phố I, thị trấn Phước Vĩnh nhận xét trước đây người dân trên địa bàn huyện khi cần mua sắm các loại mặt hàng tiêu dùng cao cấp còn phải đi xuống trung tâm tỉnh. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn huyện đã được các nhà bán lẻ, tiểu thương cung ứng khá đa dạng, chất lượng. “Giờ đây, người dân chẳng cần đi đâu xa cũng có thể thoải mái lựa chọn những món hàng phù hợp phục vụ cho gia đình”, chị Huyền nói.
Tiếp tục hỗ trợ phát triển
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Giáo, năm 2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện đạt 10.306 tỷ đồng, tăng 21,01% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 100,01% kế hoạch (mục tiêu 20 - 25%). Thực tế cho thấy, hoạt động TM-DV ngày càng phát triển góp phần giải quyết nhu cầu trao đổi của các tiểu thương, hộ kinh doanh và nhân dân trên địa bàn huyện. Hoạt động thương mại đã đóng góp tích cực một phần vào ngân sách huyện cũng như từng bước thay đổi diện mạo khu vực kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đô thị.
Bên cạnh hệ thống bán lẻ hiện đại đã có mặt, tại các cửa hàng tạp hóa cho đến chợ nông thôn luôn có lượng hàng hóa phong phú giá cả hợp lý đã làm cho thị trường bán lẻ ngày càng sôi động.
Để hỗ trợ cho TM-DV, tạo điều kiện kinh doanh lành mạnh, công tác quản lý thị trường được huyện chú trọng. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức bán hàng bình ổn giá, tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn… thu hút sự tham gia của nhiều cơ sở, doanh nghiệp. Từ đó, góp phần vào việc ổn định thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho người dân.
THANH HỒNG