Huyện Phú Giáo: Nỗ lực vượt khó, phát triển sản phẩm đặc trưng

Thứ hai, ngày 06/11/2023

(BDO) Với những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở duy trì sản xuất, kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm... huyện Phú Giáo đã và đang nỗ lực thúc đẩy ngành thương mại - dịch vụ (TM-DV) phát triển, đáp ứng nhu cầu người dân.

 Hàng hóa tại chợ truyền thống Phước Vĩnh khá phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn

 Sức mua giảm

Là chợ trung tâm của huyện, chợ Phước Vĩnh (thị trấn Phước Vĩnh) trước đây vốn buôn bán khá tấp nập nay cũng trở nên trầm lắng. Bà Nguyễn Thị Lài, tiểu thương lâu năm tại chợ, cho biết: “Hiện nay, do tình hình kinh tế khó khăn chung nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Lượng khách vào chợ suy giảm nhiều, chủ yếu là khách quen. Dịp tết sắp đến tôi không nhập hàng quá sớm và ồ ạt, chủ yếu nhập các mặt hàng thông thường, dễ bán”.

Chị Trần Thị Tú Anh, khách hàng mua sắm tại chợ Phước Vĩnh, chia sẻ: “Vợ chồng đều làm công ty, thời điểm này công việc không nhiều như trước nên mua sắm phải cân nhắc, chỉ mua những gì cần thiết, như lương thực, thực phẩm. Trong năm học mua sắm thêm cho con cái đôi giày, đôi dép, dụng cụ học tập để tới trường”.

Tại các cửa hàng tiện ích các mặt hàng tương đối đa dạng, đầy đủ. Theo đại diện quản lý cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn thị trấn Phước Vĩnh, cũng như mọi năm dịp tết hệ thống luôn đáp ứng đầy đủ các mặt hàng, giá cả ổn định để phục vụ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sẽ có những chính sách khuyến mại để thu hút khách hàng.

Khai thác thế mạnh

Để thúc đẩy hoạt động TM-DV trên địa bàn, huyện khuyến khích xã hội hóa, đầu tư cải tạo chợ truyền thống, thu hút đầu tư các loại hình kinh doanh dịch vụ hiện đại như trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Ngoài ra, các loại hình dịch vụ như vận tải, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, du lịch... cũng đang ngày càng khởi sắc. Nhìn chung, hạ tầng TM-DV trên địa bàn huyện đang ngày càng phát triển, sôi động và đa dạng hơn. Mạng lưới kinh doanh TM-DV được mở rộng cả khu vực thành thị và nông thôn.

Đặc biệt, huyện đã xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, chú trọng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... nhằm phát huy sản phẩm thế mạnh và lợi thế của huyện nông nghiệp. Điển hình như sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao (xã An Bình); na dứa Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim (HTX Nông nghiệp Bình Dương, xã Phước Sang); trang trại gà công nghệ cao xã An Bình...

Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận chính sách về hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện còn gặp khó khăn về thủ tục vay và giải ngân vốn. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định dẫn đến giá cả đầu ra nông sản diễn biến khó lường, gây khó khăn cho người nông dân trong đầu tư sản xuất.

Theo lãnh đạo huyện, để khắc phục những khó khăn, duy trì đà tăng trưởng trong lĩnh vực TM-DV, huyện tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường nhằm bình ổn giá, chống kinh doanh buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tổ chức hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm công nghệ và quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp huyện Phú Giáo đến các đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp các trang trại trên địa bàn huyện được tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, huyện cũng thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn công tác khuyến công cho các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Phối hợp với Sở Công thương, các doanh nghiệp tiếp tục triển khai chương trình “đưa hàng Việt về nông thôn” về các xã, thị trấn để phục vụ người dân, kích cầu tiêu dùng.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Phú Giáo có 6 cửa hàng tiện ích (4 cửa hàng Bách hóa xanh, 2 cửa hàng Vinmart) và 7 chợ truyền thống đang hoạt động. Trên địa bàn huyện có 593 doanh nghiệp và 22 HTX đang hoạt động. Trong đó, có 94 doanh nghiệp và 2 HTX được thành lập mới trong 9 tháng năm 2023.

 TIẾN HẠNH