Huyện Phú Giáo: Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc
(BDO) Phú Giáo từng được biết đến là vùng quê nghèo với cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện mạo của Phú Giáo đã thay đổi hoàn toàn từ nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới.
Tuyến đường Cần Câu, ấp 1 B (xã Phước Hòa) sạch đẹp
Hoàn thiện hạ tầng giao thông
Về Phú Giáo hôm nay, điều dễ dàng nhận thấy đó các tuyến đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã góp phần xây dựng huyện Phú Giáo ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cũng như bao địa phương khác trên địa bàn huyện, nổi bật trong bức tranh nông thôn mới (NTM) của xã Phước Hòa là những con đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp. Giới thiệu với chúng tôi một vài tuyến đường tại ấp 1B, ông Cao Văn Hà, trưởng ấp không giấu nổi sự vui mừng: “Trên địa bàn ấp có 19 tuyến đường, nhiều tuyến đã được bê tông nhựa nóng. Trước đây, các tuyến đều là đường đất, sỏi đỏ, từ khi được mở rộng, nâng cấp người dân đi lại thuận lợi ai cũng vui mừng. Ngoài việc nâng cấp, xã còn vận động người dân tại các tuyến đường đóng góp kinh phí lắp đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, trồng cây đường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp”.
Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết nhận thức được tầm quan trọng của giao thông nông thôn, Đảng ủy, chính quyền xã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM. Huyện ủy, UBND huyện cũng đã quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cho xã để đầu tư xây dựng giao thông nông thôn. Trên địa bàn hiện có 10 tuyến đường xã đã được đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa, đèn chiếu sáng. Xã có 49 tuyến đường ấp, liên ấp, trong đó có 27 tuyến được bê tông hóa, nhựa hóa.
Bước đi trên những con đường bê tông phẳng lỳ, trải dài qua những xóm ấp tràn đầy sức sống, lòng người dân Phú Giáo ngập tràn niềm tự hào, phấn khởi. Ông Đinh Anh Tuấn, người dân sinh sống tại tuyến đường Xây Lắp 3, xã Phước Hòa, cho biết: “Nhờ hệ thống giao thông nông thôn được cải thiện, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp cũng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.
Phát triển kinh tế bền vững
Phú Giáo đang tập trung phát triển kinh tế theo hướng bền vững, gắn liền với xây dựng NTM. Các mô hình kinh tế được áp dụng hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình), chia sẻ: “HTX hiện có hơn 70 thành viên, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tôi mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ về vốn, tập huấn nâng cao trình độ canh tác, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho người dân. Cùng với đó triển khai chương trình kết nối cung cầu để những hộ nông dân, chủ thể OCOP, đặc biệt hợp tác xã có khả năng tiếp cận được với hệ thống siêu thị, những nhà phân phối lớn để có đầu ra ổn định”.
Các mô hình kinh tế hiệu quả thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Trong ảnh: Vườn cây của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình)
Theo ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, thời gian qua, nhiều nông dân, chủ trang trại ở Phú Giáo đã mạnh dạn canh tác hữu cơ, áp dụng các quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn, xây dựng chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Đến nay, huyện Phú Giáo có 34 hộ và trang trại được trao chứng nhận VietGAP. Để hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, việc đăng ký mã số vùng trồng cho nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh ở địa phương cũng được đẩy mạnh thực hiện. Hiện thủ tục đăng ký mã số vùng trồng cho cây sầu riêng đang được hoàn tất, 3 sản phẩm là hồ tiêu, cam, bưởi Phú Giáo đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Ngoài ra, để tận dụng được những điều kiện tự nhiên sẵn có, huyện đã và đang triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến, đi đôi với bảo vệ môi trường. Huyện cũng liên kết với các công ty du lịch để thu hút du khách đến vừa tham quan, nghỉ dưỡng, vừa trải nghiệm cuộc sống trong không gian nông thôn; kết hợp nông nghiệp công nghệ cao với du lịch qua những dịch vụ như mua, bán sản phẩm nông nghiệp tại chỗ, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí… Bên cạnh đó, huyện sẽ xây dựng chương trình phát triển du lịch sinh thái tại các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện có gắn với việc khai thác du lịch trên lòng hồ Phước Hòa.
TIẾN HẠNH