Huyện Dầu Tiếng: Tạo sức bật cho ngành nông nghiệp
Ngành nông nghiệp huyện Dầu Tiếng đang phát triển theo đúng định hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái và đạt hiệu quả thiết thực. Đáng chú ý, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đem lại giá trị kinh tế cao, đóng góp vào sự phát triển chung của huyện nhà.
Mở ra hướng đi mới cho nông dân
Mặc dù trong định hướng phát triển kinh tế của huyện Dầu Tiếng là tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng, phát huy hiệu quả lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng. Chỉ tính trong năm 2024, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt trên 5.354 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2023, đạt 100,95% kế hoạch năm.
Đặc biệt, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay huyện Dầu Tiếng có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, tạo ra những hướng đi mới cho người nông dân trong phát triển kinh tế. Toàn huyện hiện có 1.050 ha cây ăn trái các loại, tăng 14,13% so với năm 2023, tập trung ở các xã Minh Hòa, Minh Thạnh, Thanh Tuyền, Thanh An... Các mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi được đầu tư bài bản, ứng dụng quy trình sản xuất hiện đại, theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại năng suất, giá trị kinh tế cao, sản phẩm cạnh tranh tốt trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Minh Tấn, ngụ xã Long Hòa đã trải qua thời gian dài nghiên cứu, phát triển trang trại nấm Tấn Hưng trở thành mô hình nông nghiệp sạch rất hiệu quả ở huyện Dầu Tiếng. Bà Tấn cho biết hiện nay trang trại của bà đang trồng nấm bào ngư, linh chi, sản phẩm được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hàng năm, trang trại đạt doanh thu hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm hàng chục lao động địa phương với mức lương từ 10-12 triệu đồng/người/tháng.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, cùng với việc vận dụng hiệu quả các chính sách chung, huyện Dầu Tiếng đã quy hoạch phát triển kinh tế trang trại gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở các vùng chuyên canh nông nghiệp. Những chính sách thiết thực này đã góp phần tạo động lực hình thành, phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp ở huyện Dầu Tiếng ngày càng đi vào chiều sâu; mở ra nhiều cơ hội cho người nông dân trong phát triển nông nghiệp, phá thế độc canh cây cao su, hạn chế rủi ro trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết xác định khoa học - công nghệ (KHCN) là nhiệm vụ cấp thiết của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, thời gian qua hoạt động KHCN trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả. Các ngành, địa phương trong huyện thường xuyên cập nhật những tiến bộ kỹ thuật mới; trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều mô hình hay, cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế ổn định giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác nông nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đạt 99 triệu đồng/ha/năm (tăng 19 triệu đồng/ha so với đầu năm 2020), trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt 675 triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện hiện có 23 sản phẩm OCOP 3 sao. |
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, chương trình phát triển du lịch nông thôn bền vững. Theo đó, huyện tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển sản phẩm OCOP; phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục di dời các trang trại chăn nuôi và chuyển đổi công năng, nâng cấp các trang trại theo lộ trình kế hoạch đề ra, theo Quy hoạch vùng huyện được duyệt; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hóa dữ liệu ngành nông nghiệp...
Mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã và đang đi đúng hướng, từ đó phát huy hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương. Đây cũng chính là mô hình kinh tế tất yếu trong chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo cơ chế thị trường; giúp cải thiện, nâng cao hiệu quả đầu tư nông nghiệp.
HỒNG NGA