Huyện Dầu Tiếng: Siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng

Thứ ba, ngày 24/05/2022

(BDO) Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp cố tình lấp liếm, thực hiện quảng cáo không đúng sự thật về công năng, hiệu quả của các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng), UBND huyện Dầu Tiếng đã tiến hành họp bàn, kịp thời đưa ra những quy định phù hợp với điều kiện thực tiễn trên địa bàn.

 Người dân xếp hàng chờ mua thuốc tại một quầy thuốc Tây trên địa bàn khu phố 2, thị trấn Dầu Tiếng

Siết chặt công tác quản lý

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, huyện vừa giao Phòng Y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát lại tình hình thực tế về hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên địa bàn. Theo đó, trong thời gian tới, huyện giao Phòng Y tế làm đơn vị chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và địa phương kịp thời tham mưu UBND huyện về việc tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý bảo đảm thiết thực, hiệu quả và đúng quy định. Dựa theo tình hình thực tiễn tại địa phương, thành lập các tổ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lýcác tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng.

Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch khu, cụm công nghiệp, phát triển các đô thị thương mại - dịch vụ, địa phương cũng hết sức chú trọng đến các hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó, riêng đối với lĩnh vực y tế, huyện đặc biệt quan tâm về việc phát triển cơ sở hạ tầng để chủ động phòng ngừa, khám chữa bệnh cho người dân địa phương, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động tiếp thị, quảng cáo các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, hoạt động khám chữa bệnh...

Theo thống kê của Phòng Y tế huyện Dầu Tiếng, hiện nay hoạt động quảng cáo, tiếp thị thuốc điều trị và thực phẩm chức năng chủyếu được triển khai trên nền tảng online. Theo đó, phần lớn các mẩu quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định được ghi nhận trên các nền tảng mạng xã hội…

Để góp phần ngăn ngừa những nguy cơ, rủi ro cho người dân, bên cạnh việc tổ chức các tổ công tác thanh, kiểm tra liên ngành xử lý vi phạm trên địa bàn, huyện cũng giao Phòng Y tế thống kê các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thuốc điều trị, thực phẩm chức năng gửi về Sở Y tế. Ngoài ra, huyện cũng giao Phòng Văn hóa, Trung tâm Truyền thanh huyện, UBND các xã, thịtrấn… đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân tránh những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng, đặc biệt là những mẩu quảng cáo không đúng sự thật, lấp liếm về công năng, hiệu quả của các loại thuốc, thực phẩm chức năng.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo

Ghi nhận thực tế của P.V cho thấy, hiện nay ở nhiều địa phương bắt đầu xuất hiện tình trạng quảng cáo không có giấy phép, quảng cáo không đúng sự thật hoặc lấp liếm thực phẩm chức năng thành thuốc điều trị trá hình.

Trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, khi cả nước đang trên đà phục hồi sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tình trạng quảng cáo lấp liếm công năng, hiệu quả thực phẩm chức năng thành thuốc điều trị“hậu Covid-19” đã bắt đầu xuất hiện tràn lan trên các nền tảng online như Facebook, Zalo, hệ thống Google Ads hiển thị trên các website… Đáng nói, nhiều người dù chỉ mới nghe qua lời quảng cáo ngon ngọt từ các tổ chức, cá nhân và những tin đồn thất thiệt đã mạnh tay chi tiền mua về dùng. Để rồi cũng chính họ phải thất vọng khi hiệu quả không như lời quảng cáo.

Bà Nguyễn Thị T. (49 tuổi), người dân khu phố 2, thị trấn Dầu Tiếng cho biết, sau khi cả gia đình điều trị xong Covid-19, bà đã lân la lên mạng tìm hiểu các phương pháp phục hồi sức khỏe hậu Covid-19. Với tần suất lặp lại khá nhiều lần và nhìn thấy nhiều bình luận đánh giá sản phẩm tốt nên bà đã mạnh dạn đặt mua 2 hộp “thuốc hỗ trợ phục hồi sức khỏe hậu Covid-19 thương hiệu L.T.P” trên mạng.

Nhận hàng và sử dụng theo hướng dẫn của bên bán hàng khoảng gần 2 tháng, bà T. thấy tình trạng sức khỏe của mình cũng không khác trước là bao. Do tình trạng ho khan và khó thở vẫn tiếp diễn và có xu hướng trở nặng hơn trước nên bà T. quyết định đi khám sàng lọc hậu Covid-19 tại một bệnh viện lớn ở TP.Hồ Chí Minh và được bác sĩ chẩn đoán phổi bị tổn thương và xuất hiện tình trạng bị xơ hóa. Được bác sĩ kê đơn chuẩn theo tình trạng bệnh lý và uống thuốc điều độ được hơn 15 ngày thì tình trạng ho khan và khó thở của bà T. đã thuyên giảm đáng kể. Từ thực tế đó, bà Nguyễn Thị T. cũng khuyến cáo người dân đừng vội tin vào những lời quảng cáo thông qua mạng xã hội để tránh “tiền mất, tật mang”.

 Bác sĩ Bùi Công Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Dầu Tiếng cho rằng, người dân cần tỉnh táo và có sự lựa chọn sáng suốt đối với các dòng sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng. Theo đó, để hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe đạt được hiệu quả tốt nhất, người dân cần trực tiếp đến thăm khám tại các bệnh viện, phòng khám có chức năng nhờ các bác sĩ có chuyên môn, nghiệp vụ kê đơn và mua thuốc tại các quầy thuốc có giấy phép hoạt động.

 ĐÌNH THẮNG