Huyện Dầu Tiếng: Phát triển đồng bộ các ngành kinh tế

Thứ tư, ngày 12/08/2015

Bên cạnh phát triển mạnh ngành nông nghiệp mà cây cao su là chủ lực, thời gian qua huyện Dầu Tiếng còn quyết tâm đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ nhằm đưa kinh tế của địa phương phát triển nhanh và ổn định hơn.

(BDO)

 Huyện Dầu Tiếng đẩy mạnh phát triển hạ tầng để tạo những đột phá về kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Đường giao thông ở thị trấn Dầu Tiếng được đầu tư đồng bộ, khang trang Ảnh: K.VINH

Tăng cường nguồn lực

Dầu Tiếng vốn được xem là “thủ phủ ” cao su. Tính đến hết tháng 6-2015, toàn huyện có khoảng 50.900 ha cao su, tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó cao su tiểu điền chiếm 42,5%. Những năm gần đây dù giá cao su giảm mạnh, bị cạnh tranh quyết liệt trên thị trường nhưng toàn huyện vẫn giữ vững diện tích cao su. Bên cạnh đó, diện tích các cây trồng nông nghiệp khác cũng tăng khá, trong đó có tới 504 ha lúa.

Không chỉ dựa vào cây cao su, thời gian qua huyện Dầu Tiếng cũng nỗ lực phát triển chăn nuôi để đa dạng nguồn thu. Đến nay, toàn huyện có 184 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 64 trang trại chăn nuôi đạt các tiêu chí của Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13-4-2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dầu Tiếng có tổng đàn trâu, bò trên 5.100 con, đàn heo khoảng 62.500 con, gia cầm trên 1,53 triệu con; diện tích nuôi trồng thủy sản 116.000m2. Toàn huyện còn có 43 hộ gia đình nuôi các loại động vật hoang dã với trên 4.500 con các loại.

Đi lên từ huyện thuần nông còn nhiều khó khăn nên lãnh đạo huyện Dầu Tiếng qua các thời kỳ đều xác định việc phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất làm tiền đề để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, Dầu Tiếng đã nỗ lực phát triển giao thông nông thôn, tận dụng các nguồn lực đầu tư từ tỉnh cũng như dựa vào sức dân để phát triển đường sá, cầu cống hoàn chỉnh. Đến nay, toàn huyện đã thi công 57 công trình, 159 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 198km. Mạng lưới giao thông được phân cấp quản lý chặt chẽ từ huyện đến cấp xã. Trên địa bàn huyện có trên 97% tuyến đường chính được nhựa hóa, trên 86% đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng các xã được cứng hóa bằng sỏi đỏ; các tuyến đường nội ấp, ngõ hẻm được mở rộng, xe cơ giới có thể lưu thông được...

Nông thôn mới đã thành hình

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Dầu Tiếng và sự đồng thuận cao của nhân dân, đến nay Dầu Tiếng đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, ước tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 1.153 tỷ tỷ đồng; trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 265 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp 406 tỷ đồng, giá trị thương mại - dịch vụ đạt 482 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn đồng bộ, hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của huyện. Ngoài ra, Dầu Tiếng cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng NTM để sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Một trong những thành công nổi bật của huyện Dầu Tiếng trong thời gian qua chính là phong trào vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới (NTM). Dầu Tiếng có 7 xã được chọn xây dựng NTM. Trong các năm 2013 và 2014, huyện đã có 4 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM là Thanh An, Long Tân, Định Thành và Định Hiệp. Sau khi đạt chuẩn, các xã liên tục giữ vững và đang ngày càng nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt, qua đó góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống của người dân.

Dù là địa phương đang dẫn đầu trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh nhưng đến nay Dầu Tiếng vẫn đang phát huy những lợi thế, kinh nghiệm để tiếp tục đẩy nhanh phong trào phát triển NTM, qua đó thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương, tăng nguồn thu cho các tầng lớp nhân dân. Các xã Minh Hòa, Thanh Tuyền, Long Hòa, Định An, An Lập… đều đã đạt từ 17 - 18 tiêu chí NTM và đang gấp rút hoàn thành những tiêu chí cuối cùng để đạt chuẩn NTM ngay trong năm 2015.

Nhờ được quan tâm đầu tư hạ tầng tốt, cộng với nỗ lực của các tầng lớp nhân dân trong việc phát triển kinh tế trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của Dầu Tiếng đã có sự chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Nếu như năm 2000, khi huyện Dầu Tiếng được thành lập, nông nghiệp chiếm đến 78,11% trong cơ cấu kinh tế thì đến nay chỉ còn 35,98%; công nghiệp từ 1,25% lên 30,69%; thương mại - dịch vụ tăng từ 20,63% lên 33,33% hiện nay. Đây là cơ sở để Dầu Tiếng tiếp tục tăng tốc phát triển thương mại - dịch vụ nhằm chăm lo đời sống nhân dân và đưa địa phương đi lên trong thời gian tới.

 

 KHÁNH VINH