Huyện Dầu Tiếng: Nỗ lực nâng tầm nông sản địa phương
(BDO) Huyện Dầu Tiếng đang nỗ lực xây dựng nền nông nghiệp xanh. Thực hiện định hướng này, huyện tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đã đạt được kết quả khả quan.
Áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Mô hình trồng sầu riêng lai ghép của gia đình anh Tô Văn Quốc (xã Thanh Tuyền)
Xây dựng mô hình nông nghiệp xanh
Thời gian qua, ngoài cây cao su, huyện Dầu Tiếng đã đa dạng hóa cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đáng chú ý, việc địa phương thực hiện chuyển đổi một phần diện tích cây cao su sang trồng cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với doanh thu bình quân từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Các loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, cam, quýt, bưởi đã trở thành những cây trồng chủ lực của huyện Dầu Tiếng.
Xã Thanh Tuyền là vùng chuyên canh cây đặc sản măng cụt của tỉnh. Năm 2023, toàn xã có khoảng 193 ha măng cụt; có 36 hộ trồng măng cụt, trong đó có 9 hộ (diện tích trồng măng cụt là 6,6 ha) được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Những hộ này đã tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm măng cụt, tăng thu nhập cho gia đình. Ông Huỳnh Văn Hiện, ở ấp suối Cát, xã Thanh Tuyền, cho hay măng cụt là nguồn thu nhập chính của nông dân nơi đây. Các hộ trồng măng cụt trong tổ VietGAP được tập huấn về kỹ thuật, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quy định giúp người nông dân thay đổi cách làm nông nghiệp truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Mô hình trồng sầu riêng của anh Tô Văn Quốc, ở ấp Chợ, xã Thanh Tuyền là một điển hình trong ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp. Anh Quốc cũng là hộ tiên phong trồng cây sầu riêng lai ghép trên địa bàn xã. Anh bắt đầu trồng sầu riêng từ năm 2017. Nhờ kiên trì học hỏi kinh nghiệm và áp dụng đúng kỹ thuật bón phân, tưới nước, thụ phấn, tỉa cành tạo tán, phòng chống sâu hại nên vườn sầu riêng của anh phát triển tươi tốt, sản phẩm đạt chất lượng cao. Hiện vườn sầu riêng của anh Quốc có 320 cây, đã thu hoạch được 2 vụ. Trung bình mỗi vụ anh thu hoạch được 22 tấn, sau khi trừ các khoản chi phí anh có lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Theo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Dầu Tiếng, đến nay toàn huyện có 875 ha sản xuất nông nghiệp trang bị hệ thống tưới tiết kiệm, nhà lưới, nhà màng hiện đại, kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp. ƯDCNC đã giúp nông sản huyện nhà đạt được những kết quả tốt đẹp, không chỉ tăng năng suất, nâng cao đời sống nông dân mà còn bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản sạch huyện Dầu Tiếng.
Phát triển bền vững
Theo ông Phạm Bình Long, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, những năm qua người dân trên địa bàn xã đã tích cực khai thác tiềm năng đất đai, mạnh dạn ƯDCNC vào sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp kinh tế xã ngày càng phát triển. Trên địa bàn xã phát triển nhiều mô hình mới về sản xuất nông nghiệp, trong đó phải kể đến các mô hình sản xuất hữu cơ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chất lượng, an toàn, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.
Mô hình chăn nuôi heo theo chuỗi cung ứng an toàn của anh Nguyễn Văn Sơn, ở ấp Tân Đức, xã Minh Tân là một điển hình. Với diện tích 3 ha đất, anh Sơn đã áp dụng nuôi heo trại lạnh khép kín, từ sản xuất đến chế biến. Đặc biệt, heo được nuôi theo hướng hữu cơ, từ khâu chọn giống đến việc lựa chọn nguyên liệu thức ăn như đậu nành, bắp, bột cá... cho ra chất lượng thịt thơm, an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Anh Sơn cho biết: “Chăn nuôi hữu cơ được người tiêu dùng đánh giá cao, vì thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Để quản lý được nguồn nguyên liệu đầu vào, gia đình tôi đã đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn hữu cơ cung cấp cho đàn heo trang trại của gia đình”.
Đối với Hợp tác xã (HTX) Minh Hòa Phát (xã Minh Hòa) chuyên trồng bưởi da xanh, quýt đường, sầu riêng, sau vài năm đi vào hoạt động đã vươn mình trở thành một trong những HTX sản xuất cây ăn trái hàng đầu địa phương, với diện tích lên đến 150 ha, lợi nhuận hàng năm khoảng 20 tỷ đồng. Ông Tống Văn Hướng, Giám đốc HTX Minh Hòa Phát, cho biết: Được sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, năm 2023 HTX thực hiện mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với diện tích 5 ha trên cây bưởi da xanh. Việc ứng dụng thiết bị tưới tiêu hiện đại giúp HTX tiết kiệm nước, tăng năng suất cây trồng, sử dụng phân bón hữu cơ để cải tạo đất, giúp cây trồng khỏe mạnh, tăng sức đề kháng với sâu bệnh.
Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết địa phương đang khuyến khích, vận động nông dân phát triển các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng ở địa phương. Trong thời gian tới, địa phương tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mô hình liên kết giữa nông dân với HTX, với doanh nghiệp.
TIẾN HẠNH - QUANG TRÍ