Huyện Dầu Tiếng: Nhiều nỗ lực bảo trì đường bộ
(BDO) Theo báo cáo, huyện Dầu Tiếng là địa bàn rộng với hệ thống đường bộ do huyện quản lý là 228,6km, diện tích mặt đường 1.520.398m2. Bình quân hàng năm cơ quan chức năng dặm vá khoảng 50.000 - 60.000m2, tỷ lệ khoảng 4 - 5%. Trong khi đó, ghi nhận cho thấy, xe quá tải chở cát từ lòng hồ Dầu Tiếng về đã “tích cực” góp phần làm xuống cấp trầm trọng nhiều tuyến đường bộ trên địa bàn.
Đầu tư nhiều tuyến đường
Trong giai đoạn 2012-2015, huyện Dầu Tiếng đã thực hiện đầu tư 5 cầu, 21 tuyến với tổng chiều dài 33,7km, diện tích mặt đường 235.998m2; nhận bàn giao quản lý từ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng 5 tuyến với tổng chiều dài 18,2km, diện tích mặt đường 109.200m2. Hiện nay, tổng số tuyến đường huyện quản lý là 73 tuyến với tổng chiều dài 228,6km, diện tích mặt đường 1.520.398m2; 21 cầu gồm cầu thép và cầu bê tông cốt thép… Thực tế cho thấy, trong số 73 tuyến đường địa phương đang quản lý, chỉ có 25 tuyến đường nội ô là được bê tông nhựa với tổng chiều dài 45,2km, 16 cầu với tổng chiều dài 376,4m. Còn lại là 22 tuyến đường huyện, 5 tuyến đường lô (đường giao thông nông thôn chạy trong lô cao su) do Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng bàn giao và 21 tuyến đường phát triển mới từ năm 2012 đến nay đều được đầu tư theo hình thức láng nhựa.
Đoàn Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh khảo sát, ghi nhận thực tế đoạn xuống cấp của tuyến đường ĐT749A qua địa phận huyện Dầu Tiếng. Ảnh: DUY CHÍ
Trong chuyến khảo sát tình hình quản lý, sử dụng, bảo trì đường bộ tại huyện Dầu Tiếng của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh mới đây, ông Nguyễn Tầm Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, cho biết so với đường bê tông nhựa thì đường lán nhựa có tải trọng thấp do kinh phí đầu tư thấp, nền hạ yếu dẫn đến tải trọng kém và chất lượng cũng tương đương. Khi đưa vào sử dụng, xe có tải trọng lớn lưu thông sẽ dễ bong tróc lớp nhựa, làm cho mặt đường xuống cấp nhanh, khó khăn trong việc bảo trì, bảo dưỡng…
Báo cáo từ phía ngành chức năng huyện Dầu Tiếng cho biết trong 3 năm (2013-2015), huyện đã tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa, đầu tư 46 danh mục công trình với tổng kinh phí đầu tư thực hiện là 38 tỷ 816 triệu đồng; trong đó bảo dưỡng thường xuyên là 2 tỷ 871 triệu đồng, sửa chữa 18 tỷ 479 triệu đồng, đầu tư mới 17 tỷ 466 triệu đồng. Trong khi đó, tổng chiều dài các tuyến đường do huyện quản lý là 228,6km, diện tích mặt đường 1.520.398m2, bình quân hàng năm phải dặm vá khoảng 50.000 - 60.000m2, tỷ lệ bảo dưỡng chỉ 4 - 5% theo phân cấp là rất thấp; kinh phí thực tế để thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa theo nhu cầu phải cần 43,3 tỷ đồng, bao gồm bảo dưỡng 24,3 tỷ đồng, sửa chữa 19 tỷ đồng. Hiện nay, trung bình hàng năm huyện bố trí kế hoạch vốn để thực hiện khoảng 7,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ khoảng 15 - 16%.
Địa phương mong có sự hỗ trợ từ tỉnh
Theo Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 28-2-2012 của UBND tỉnh về việc phân cấp quản lý và bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, huyện Dầu Tiếng được phân cấp quản lý 22 tuyến đường huyện có kết cấu mặt đường láng nhựa với tổng chiều dài 131,5km, diện tích mặt đường 813.600m2; 25 tuyến đường nội ô có kết cấu mặt đường bê tông nhựa tổng chiều dài 45,2km, diện tích mặt đường 361.600m2 và 16 cầu với tổng chiều dài 376,42m. |
Lý do tăng kinh phí bảo trì, bảo dưỡng từ 4-5% lên 15-16% như thực tế nêu trên được ông Hà Duy Lợi, quyền Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Dầu Tiếng, lý giải do huyện có địa bàn rộng, các tuyến đường trục chính trên địa bàn tương đối dài, lại được đầu tư xây dựng đã lâu. Cùng với đó, mặt đường chủ yếu là kết cấu láng nhựa, do đó chất lượng mặt đường không còn bảo đảm, phải thực hiện sửa chữa thường xuyên. Cũng theo ông Lợi, các văn bản về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thường xuyên thay đổi đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác thực hiện quản lý, đầu tư và thanh quyết toán công trình. Nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là do nguồn vốn ngân sách huyện bố trí việc bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến đường còn hạn chế, chưa đáp ứng công tác bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên theo yêu cầu. Từ đó các tuyến đường xuống cấp nhanh chóng nên gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Ngoài ra, phương tiện tham gia lưu thông chở quá tải theo năng lực thiết kế của đường cũng làm cho các tuyến đường trên địa bàn huyện nhanh xuống cấp.
Từ thực tế nói trên, tại buổi khảo sát tình hình quản lý, sử dụng, bảo trì đường bộ tại huyện Dầu Tiếng của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh mới đây, UBND huyện Dầu Tiếng kiến nghị cần có sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, quỹ bảo trì đường bộ của tỉnh và các nguồn vốn khác trong việc bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên các tuyến đường do huyện quản lý. Địa phương cũng cho rằng công tác tuần tra, kiểm tra công trình đường bộ theo quyết định của UBND tỉnh là rất cần thiết; để thực hiện tốt công tác này huyện Dầu Tiếng kiến nghị UBND tỉnh bổ sung nhân lực, kinh phí và hướng dẫn thực hiện.
Ông NGUYỄN TẦM DƯƠNG, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Đường yếu mà xe 20 bánh đi qua thì hư là phải
Theo phản ánh của cử tri, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát thực tế tại các tuyến đường ĐT744 (đoạn xã Định Thành - Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng), ĐT749A, 749B thuộc địa bàn các xã Minh Tân, Minh Hòa, Minh Thạnh, cùng một số tuyến đường ĐH do huyện Dầu Tiếng quản lý, cho thấy có nhiều tuyến đường nhỏ hẹp gây cản trở hoạt động đi lại của người dân. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tuyến đường xuống cấp nhanh do lưu lượng xe tải nặng lưu thông cao. Ghi nhận thực tế cho thấy ngoài xe tải nặng, xe ben chở cát, còn có cả xe container 20 bánh lưu thông thì làm sao chịu nổi.
Ông HÀ DUY LỢI, quyền Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Dầu Tiếng: Tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật
Một nguyên nhân quan trọng góp phần “đẩy nhanh“ quá trình xuống cấp của nhiều tuyến đường là các xe tải nặng. Phòng Quản lý đô thị sẽ tham mưu UBND huyện Dầu Tiếng kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải quan tâm chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra phương tiện vận chuyển, xử lý xe quá tải trên địa bàn huyện theo đúng quy định của pháp luật.
DUY CHÍ