Huyện Dầu Tiếng: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định
(BDO) Vừa mới phục hồi sau đại dịch, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của địa phương phía bắc tỉnh đã có sự khởi sắc, bứt phá ấn tượng. Tổng giá trị sản xuất kinh tế tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, cơ cấu nền kinh tế tiếp tục có sự điều chỉnh theo hướng cân đối, hài hòa bảo đảm mục tiêu phát triển theo định hướng của địa phương.
Hàng hóa được các siêu thị, cửa hàng về khá đầy đủ, bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân. Trong ảnh: Người dân thị trấn Dầu Tiếng mua sắm tại một siêu thị bán lẻ trên địa bàn
Giá trị kinh tế tăng mạnh
Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 9.897 tỷ đồng, tăng 14,31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 4.607 tỷ đồng, tăng 18,6%; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ đạt 3.734,8 tỷ đồng, tăng 13,2%; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1.555 tỷ đồng, tăng 5,5%.
Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng từng bước nối lại và duy trì chuỗi cung ứng thị trường. Đến nay, toàn huyện có 475 doanh nghiệp. Ghi nhận của địa phương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm địa bàn huyện có thêm 14 doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới; đồng thời cấp mới giấy chứng nhận kinh doanh cho 551 cá nhân, hộ kinh doanh cá thể. Lũy kế đến nay, toàn huyện có 7.421 hộ kinh doanh với tổng số vốn đăng ký là 329 tỷ đồng.
Cùng với chiến lược quy hoạch khu, cụm công nghiệp đang được địa phương ráo riết thực hiện, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhóm ngành nghề chế biến mủ cao su, chế biến gỗ và chế biến súc sản đến hoạt động. Huyện cũng chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện giúp nông dân và các mô hình kinh tế tập thể có cơ hội tiếp cận khoa học, nguồn vốn và chuỗi cung ứng thị trường lớn. Đến nay, toàn huyện đã có 24 hợp tác xã và nhiều tổ hợp tác đang hoạt động hiệu quả trong nhiều nhóm ngành nghề, lĩnh vực.
Tình hình hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ trên địa bàn Dầu Tiếng thời gian qua tiếp tục được duy trì ổn định. Lượng hàng hóa tiêu dùng khá đầy đủ, phong phú về chủng loại, mẫu mã, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Để kích thích nhu cầu mua sắm và hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận với thị trường, thời gian qua huyện tiếp tục tổ chức các chương trình khuyến mại và 5 hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại.
Nền nông nghiệp của huyện Dầu Tiếng cũng đang có xu hướng dịch chuyển và từng bước thực hiện tái cơ cấu theo lộ trình phát triển của địa phương. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, diện tích trồng cao su trên địa bàn tiếp tục giảm 50 ha, tương ứng với mức giảm của diện tích trồng cao su là sự gia tăng đáng kể số lượng các trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo hướng quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn huyện có 252 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn khoảng 206.900 con, tăng 4,14% so với cùng kỳ; đàn gia cầm đạt 3,568 triệu con, tăng 4,88 so với cùng kỳ. Thời gian qua huyện đã chỉ đạo các ban ngành chức năng và các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng chống bệnh cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh trên gia cầm và thủy sản. Dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 8 trang trại chăn nuôi nhưng được kiểm soát kịp thời.
Tập trung các nhiệm vụ trọng tâm
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết sự phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm là sự khích lệ lớn đối với địa phương. UBND huyện chỉ đạo các phòng ban, địa phương tiếp tục bám sát, tập trung một cách quyết liệt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, huyện chú trọng các chương trình hành động mục tiêu quốc gia, như: Quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo…
Đối với chương trình quy hoạch phát triển đô thị, huyện xác định giai đoạn 2021-2025 là vô cùng quan trọng, là nền móng và tiền đề cho sự phát triển cho địa phương sau này. Trong năm 2022, huyện Dầu Tiếng tiếp tục theo dõi tiến độ trình tỉnh thẩm định, phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040; Quy hoạch chung đô thị mới Thanh Tuyền; Đề án nâng cấp đô thị Thanh Tuyền đạt tiêu chuẩn đô thị loại V. Lập đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) khu Cầu Tàu, Khu trung tâm thương mại dịch vụ dân cư phía Bắc, Khu tái định cư và khu dân cư khu phố 4B, thị trấn Dầu Tiếng; công bố đồ án Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu trung tâm thương mại - dịch vụ - khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng; Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu đô thị phía Đông, thị trấn Dầu Tiếng…
Trong những tháng cuối năm 2022, Dầu Tiếng phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để đưa toàn bộ các xã trở thành xã nông thôn mới nâng cao và hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Báo cáo của UBND huyện cho thấy, nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện là 86,6 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 52,3 tỷ đồng, vốn tín dụng là 17,4 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp là 12,6 tỷ đồng.
Huyện Dầu Tiếng cũng tích cực triển khai thực hiện công tác tạo nguồn vốn từ quỹ đất theo chỉ đạo của tỉnh theo đúng quy định. Để đẩy mạnh quá trình đô thị hóa và thay đổi bộ mặt nông thôn, Dầu Tiếng đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó hệ thống đường giao thông giúp lưu thông, kết nối vùng là mối quan tâm, ưu tiên hàng đầu của địa phương.
ĐÌNH THẮNG