Huyện Dầu Tiếng: Kinh tế phục hồi tốt, duy trì đà tăng trưởng
(BDO) Ngay từ đầu năm, huyện Dầu Tiếng tập trung toàn lực, triển khai nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh trong suốt một thời gian dài. Quý I-2022, nền KT-XH của huyện đã có những tín hiệu lạc quan, từng bước phục hồi và sẵn sàng để bứt phá trong thời gian tới.
Sau thời gian dịch bệnh, thương mại - dịch vụ ở Dầu Tiếng trở lại hoạt động ổn định, hàng hóa bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân
Giá trị kinh tế tăng 14,56%
Theo báo cáo của UBND huyện Dầu Tiếng, trong 3 tháng đầu năm nền kinh tế của địa phương đang phục hồi tốt và có bước phát triển tích cực. Cụ thể, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn ước khoảng 5.170 tỷ đồng, đạt 22,63% kế hoạch, tăng 14,56% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 2.584 tỷ đồng, đạt 23,25% so với kế hoạch, tăng 18,5% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ 1.890,4 tỷ đồng, đạt 27,15% so với kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông nghiệp 695,45 tỷ đồng, đạt 14,59% so với kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Nhìn vào con số tăng trưởng 18,5% về giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng của Dầu Tiếng trong 3 tháng đầu năm, có thể khẳng định các ban, ngành chức năng và địa phương trong huyện đã hành động quyết liệt, nghiêm túc triển khai các chương trình, giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển. Kể từ khi trở lại trạng thái “bình thường mới” theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19, Huyện ủy, UBND huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển nhanh. Cùng với đó, tập trung vào việc quy hoạch phát triển, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
Nhóm ngành thương mại - dịch vụ ở địa phương cũng có sự trở lại khá mạnh mẽ. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, với sự hỗ trợ của địa phương, các siêu thị, cửa hàng, quầy hàng trong các khu chợ đã tự tin nhập lượng lớn hàng hóa về phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết thông qua các cuộc kiểm tra liên ngành, số lượng, mẫu mã các loại hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng bảo đảm nhu cầu của người dân. Do được địa phương tuyên truyền, giám sát chặt chẽ nên trong thời gian qua địa bàn Dầu Tiếng không xuất hiện tình trạng găm hàng tăng giá, trục lợi bất hợp pháp.
Dù mức tăng trưởng khá khiêm tốn, nhưng con số 5,5% so với cùng kỳ năm 2021 của giá trị sản xuất nông nghiệp được đánh giá là một sự bứt phá ngoạn mục đối với kinh tế nông nghiệp của Dầu Tiếng. Sự tăng trưởng dù nhỏ nhưng nó khẳng định rằng nông nghiệp của địa phương đang có những biến chuyển, dịch chuyển tích cực. Cụ thể, ghi nhận đến cuối tháng 3-2022 của UBND huyện Dầu Tiếng cho thấy, tổng diện tích trồng cao su trên địa bàn tiếp tục giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ nghịch với sự sụt giảm này là 8,6% diện tích trồng cây ăn trái đặc sản được tăng thêm. Có thể khẳng định, nền kinh tế nông nghiệp của Dầu Tiếng đang được tái cơ cấu một cách mạnh mẽ và nhanh chóng.
Bám sát các nhiệm vụ trọng tâm
Dù tình hình KT-XH trên địa bàn đã có những tín hiệu phục hồi, tăng trưởng trở lại, nhưng lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện vẫn chỉ đạo các ban, ngành địa phương tiếp tục bám sát các mục tiêu đề ra của năm. Theo đó, cùng với các nhóm nhiệm vụ mang tính chiến lược như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới… huyện Dầu Tiếng tiếp tục triển khai giải pháp phòng, chống dịch bệnh an toàn, linh hoạt trong tình hình mới, thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội…
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hiện nay hoạt động của các DN và Cụm công nghiệp Thanh An đã trở lại ổn định. Người lao động đã dần quay trở lại làm việc bình thường sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Thành quả từ công tác phòng, chống dịch bệnh của huyện Dầu Tiếng đạt được cũng đã và đang trở thành tiền đề tốt giúp địa phương thu hút đầu tư. Theo đó, đến cuối tháng 3-2022, toàn huyện đã có 461 DN đăng ký hoạt động trên địa bàn, tăng 13 DN so với cùng kỳ năm 2021, đó cũng là nguyên nhân chính tạo ra cú hích tăng trưởng đối với giá trị sản xuất xây dựng, công nghiệp của huyện trong 3 tháng đầu năm.
Lãnh đạo huyện Dầu Tiếng đặc biệt kỳ vọng các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện và sớm hoàn thành các tiêu chí để trình UBND tỉnh phê duyệt 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Song hành cùng chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các bước tiếp theo của 2 dự án khoa học công nghệ: Bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Dầu Tiếng” cho sản phẩm cam, bưởi; xây dựng mô hình phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên. Gắn liền với các chính sách, hoạt động về nông nghiệp - nông thôn - nông dân, kinh tế hợp tác, hợp tác xã ở Dầu Tiếng cũng có những tăng trưởng ấn tượng. Đến nay, toàn huyện có 24 hợp tác xã, tăng 2 so với năm 2021. Định hướng của huyện thời gian tới là tiếp tục nâng số lượng và chất lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn, tạo đà xây dựng thương hiệu tập thể nông nghiệp, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.
ĐÌNH THẮNG