Huyện Dầu Tiếng: Khai thác thế mạnh, phát triển hài hòa, bền vững
(BDO) Huyện Dầu Tiếng đặt mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung thực hiện.
Đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh
Về Dầu Tiếng dễ dàng nhận thấy huyện nông thôn mới phát triển nhanh, bền vững. Huyện lấy phát triển công nghiệp và dịch vụ thương mại làm chủ đạo, phát triển nông nghiệp làm thế mạnh, chú trọng nguồn vốn đầu tư công cho việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, các cụm công nghiệp đã được phê duyệt. Cùng với đó, huyện tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện, để đạt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng, ngay từ đầu năm huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm bảo đảm kinh tế, xã hội của huyện phát triển ổn định. Trong năm 2023, huyện tiếp tục tập trung đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Huyện Dầu Tiếng chú trọng xây dựng sản phẩm thế mạnh địa phương hướng tới phát triển bền vững. Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã Minh Hòa Phát (xã Minh Hòa) tận dụng phụ phẩm bưởi da xanh chế biến rượu, nâng cao giá trị
Một số công trình trọng điểm trên địa bàn huyện đã và đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để đưa vào sử dụng. Đối với công trình do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện thực hiện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 8 công trình với số tiền hơn 221,2 tỷ đồng/709 hồ sơ. Đối với công trình do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện thực hiện đã chi trả tiền bồi thường công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐT 749A (đoạn qua Trung tâm xã Long Hòa) gần 337 tỷ đồng/773 hộ, đạt tỷ lệ 96,6%; công trình đường vào trạm thông tin Núi Ông 1,408 tỷ đồng/38 hồ sơ... Ngoài ra, các tuyến đường giao thông nông thôn cũng được đầu tư đồng bộ giúp bộ mặt làng quê ngày càng khởi sắc.
Năm 2023 hoạt động sản xuất của một số DN gặp nhiều khó khăn, giá cả một số sản phẩm nông nghiệp xuống thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống công nhân, nông dân. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực vượt khó của địa phương và DN, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tiếp tục tăng. Trong 9 tháng năm 2023, trên địa bàn huyện thành lập mới 37 DN với tổng số vốn hơn 37,4 tỷ đồng. Để mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, huyện tiếp tục tiến hành khảo sát, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Phát huy thế mạnh địa phương
Trong chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, huyện chú trọng sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo lãnh đạo huyện, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh địa phương góp phần tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch nông thôn. Theo đó, huyện đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.
Năm 2023, huyện đã tiến hành khảo sát, hướng dẫn 7 xã, thị trấn (chưa có sản phẩm chứng nhận OCOP) lựa chọn sản phẩm thực hiện chương trình OCOP. Trong đó, xã Thanh An đề xuất 3 sản phẩm (bơ, rượu, chuối), xã Thanh Tuyền 1 sản phẩm (măng cụt), xã Long Tân 1 sản phẩm (bưởi da xanh), xã Định Thành 1 sản phẩm (nấm linh chi), xã Định An 2 sản phẩm (nấm mối đen, đông trùng hạ thảo), xã Định Hiệp 1 sản phẩm (măng chua). Hiện nay đã có 7 sản phẩm OCOP của 5 xã được công nhận đó là: Rượu gạo nếp năng lượng xã Long Hòa, dưa lưới xã An Lập, bưởi da xanh xã Minh Thạnh, cam sành, quýt đường, bưởi da xanh của Hợp tác xã (HTX) Minh Hòa Phát xã Minh Hòa, yến sào của xã Minh Tân.
Ông Tống Văn Hướng, Giám đốc HTX Minh Hòa Phát, cho biết: “HTX sản xuất bưởi da xanh theo quy trình VietGAP. Năm 2023 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao giúp nâng cao giá trị sản phẩm, nâng tầm thương hiệu. Đặc biệt, thành viên của HTX đã mạnh dạn chế biến sản phẩm bưởi OCOP thành rượu bưởi giúp kéo dài thời gian sử dụng, thích ứng xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Tương tự, xã Minh Tân đã xây dựng và phát triển thành công sản phẩm yến sào của HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ yến sào Dầu Tiếng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ông Phạm Bình Long, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho rằng chương trình OCOP tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập. Đặc biệt, sản phẩm OCOP góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
TIẾN HẠNH