Huyện Dầu Tiếng: Điểm sáng trong việc quan tâm, giúp đỡ người hoàn lương

Thứ năm, ngày 26/12/2024

(BDO) Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Dầu Tiếng đã chú trọng thực hiện nhiều giải pháp giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; đặc biệt là việc thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định số 22) về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Qua đó, nhiều người chấp hành xong án phạt tù đã được vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tự tin xóa bỏ mặc cảm để làm lại cuộc đời...

 Công an xã Minh Thạnh thường xuyên tổ chức gặp gỡ người chấp hành xong án phạt tù để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng

Truyền cảm hứng, tạo sinh kế

Từ năm 2020 đến nay, huyện Dầu Tiếng có 265 người chấp hành xong án phạt tù (NCHXAPT), trong đó có gần 120 người hiện chưa đủ điều kiện xóa án tích. Những NCHXAPT khi trở về địa phương phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn do những hạn chế từ bản thân, như: Mặc cảm, tự ti về quá khứ, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, không có vốn làm ăn...

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết NCHXAPT cũng chịu những tác động tiêu cực từ các yếu tố khách quan, như tình trạng kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử. Thậm chí, có người dù đã được xóa án tích nhưng phải chật vật mưu sinh nên rất dễ bị lôi kéo, tái diễn hành vi vi phạm pháp luật. Nhằm giải quyết tình trạng trên, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Dầu Tiếng đã nghiêm túc thực hiện các nội dung Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với NCHXAPT và Quyết định số 22 về tín dụng đối với NCHXAPT. Bởi lẽ, đây là các chính sách có tính nhân văn vừa đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, vừa góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Đảng và Nhà nước.

Theo UBND huyện Dầu Tiếng, cả hệ thống chính trị các cấp và người dân được huy động để thực hiện; đáng chú ý, lực lượng Công an huyện Dầu Tiếng đã làm tốt việc quản lý, giám sát, giáo dục, răn đe và động viên NCHXAPT trở về địa phương tiếp tục ổn định tư tưởng, hăng hái tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế, cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Tự tin với hành trang mới

Việc quan tâm, giúp đỡ NCHXAPT đã tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, toàn xã hội. Trung tá Lê Minh Hòa, Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Dầu Tiếng, cho rằng đa phần NCHXAPT có tâm nguyện ổn định về tư tưởng và việc làm khi trở về địa phương, do đó lực lượng chức năng huyện Dầu Tiếng và chính quyền địa phương thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền và nắm bắt tâm tư nguyện vọng nhằm kịp thời ghi nhận, kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kết quả, cơ quan chức năng đã tuyên truyền trên hệ thống loa đài của huyện 200 giờ, hệ thống truyền thanh ở cơ sở tiếp âm phát thanh với hơn 800 giờ về các nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn về dạy nghề và việc làm cho lao động nông thôn được hơn 15 tin, hơn 20 bài, hơn 10 mục hỏi đáp liên quan đến nội dung của Quyết định số 22/QĐ-TTg; UBND 12 xã, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp các nội dung trên đến người dân tại hơn 195 địa điểm.

 Huyện Dầu Tiếng là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân tín dụng cho NCHXAPT đứng đầu của tỉnh. Hiện trên địa bàn huyện có 30 trường hợp có nhu cầu vay vốn làm ăn, mở rộng quy mô sản xuất. Trên cơ sở đó, chính quyền huyện Dầu Tiếng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương tiếp tục nêu cao trách nhiệm người đứng đầu thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nhân rộng mô hình hay cảm hóa, giúp đỡ NCHXAPT; công tác quản lý, hướng nghiệp và cho vay vốn.

Trung tá Lê Minh Hòa cho biết thêm hiện trên địa bàn huyện đang thực hiện hiệu quả 6 mô hình hay trong hoạt động tái hòa nhập cộng đồng, như: “Niềm tin thế hệ” tại xã Minh Hòa, “Hướng đến tương lai” tại xã Long Hòa, “Vững bước trên con đường hoàn lương” tại xã Thanh Tuyền, “Thắp sáng niềm tin” tại xã An Lập, “Quên đi quá khứ hướng đến tương lai” tại xã Thanh An và “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” tại thị trấn Dầu Tiếng. Kết quả, 4 trường hợp đã có công việc, cuộc sống ổn định; 10 trường hợp được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Dầu Tiếng để tạo sinh kế lâu dài.

Theo Công an huyện Dầu Tiếng, kết quả trên được xem là thắng lợi bước đầu trong việc quan tâm, giúp đỡ NCHXAPT. Việc NCHXAPT được vay vốn tín dụng, sử dụng đúng mục đích, đúng các quy định và hiệu quả đã tạo “bước đệm” để ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm xem xét, giải quyết nguồn tín dụng nhiều hơn nữa đối với NCHXAPT, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là NCHXAPT… Nhờ vậy, tỷ lệ NCHXAPT vi phạm pháp luật, tái phạm tội được kiềm chế và kéo giảm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

 HƯNG PHƯỚC