Huyện Dầu Tiếng: Đẩy nhanh tiến trình di dời trang trại chăn nuôi

Thứ tư, ngày 23/11/2022

(BDO)  UBND huyện Dầu Tiếng vừa thông qua kế hoạch triển khai thực hiện công tác di dời các cơ sở, trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư. Việc di dời được đánh giá là có ý nghĩa lớn, tạo ra những ảnh hưởng tích cực tới đời sống người dân, đồng thời giúp chủ các cơ sở, trang trại chăn nuôi thuận lợi hơn ở khu vực bảo đảm điều kiện.

 Nông dân xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng tăng thu nhập từ nghề nuôi bò

Xu thế chung

Việc thực hiện kế hoạch di dời các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở chăn nuôi có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư là chủ trương được tỉnh thông qua từ lâu. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, bối cảnh kinh tế - xã hội của từng địa phương và khả năng thực hiện phương án di dời của chủ các doanh nghiệp, cơ sở nên hiện nay có nhiều địa phương dù muốn nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi, thời gian qua huyện Dầu Tiếng chú trọng triển khai các hoạt động khuyến nông; thường xuyên kết nối, hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi từ phương thức trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Đó cũng là lý do khiến giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục tăng đồng bộ với sự tăng trưởng của nền kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết mục đích của việc thực hiện di dời các cơ sở, trang trại chăn nuôi là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân. Qua đó, từng bước sắp xếp, di dời các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định. Địa phương cũng kỳ vọng thông qua việc này để hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phù hợp với quy hoạch tổng thể của địa phương.

Lãnh đạo huyện Dầu Tiếng cho biết, sau khi thông qua kế hoạch, huyện đã giao các phòng ban, địa phương đốc thúc, giám sát, hướng dẫn và tạo điều kiện để các cơ sở, trang trại di dời thuận tiện. Quá trình thực hiện di dời bảo đảm tính liên tục, thường xuyên, nghiêm minh và đúng quy định. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương cũng sẽ trực tiếp giám sát công tác triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi phải bảo đảm công khai, minh bạch, chính xác, đúng đối tượng, đúng nội dung theo quy định của pháp luật.

Lộ trình, phương án rõ ràng

Kế hoạch của UBND huyện Dầu Tiếng cho thấy địa phương sẽ triển khai chính sách hỗ trợ theo quy định nếu thực hiện di dời hoặc ngừng hoạt động trước thời điểm 1-1-2025. Trong khi đó, các cơ sở nuôi chim yến (nhà yến) cũng sẽ được giám sát chặt chẽ về điều kiện hoạt động. Cụ thể, các nhà yến nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi phải ngừng hoạt động hoặc thực hiện di dời đến địa điểm phù hợp trước ngày 1-1-2025, hoặc phải giữ nguyên hiện trạng, không cơi nới và không sử dụng loa phát âm thanh nếu nhà yến nằm trong khu dân cư hoặc cách khu dân cư trong phạm vi dưới 300m.

Đại diện Phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng cho biết thời gian qua đơn vị đã tham mưu UBND huyện thực hiện kiểm tra, thống kê sự phù hợp quy hoạch “Phát triển nông lâm, ngư nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030” của huyện. Đồng thời, đơn vị tổng hợp, báo cáo, đề xuất các nhóm giải pháp, lộ trình di dời, chấm dứt hoạt động các trang trại chăn nuôi nằm trong khu vực không bảo đảm quy hoạch; giải pháp cho tồn tại và nâng cấp lên trại lạnh ứng dụng công nghệ cao bảo đảm các tiêu chí quy định về môi trường...

Để kế hoạch di dời các cơ sở, trang trại chăn nuôi được thực hiện đúng theo lộ trình, UBND huyện Dầu Tiếng triển khai đồng bộ nhiều phương án nghiệp vụ. Theo đó, trong thời gian đầu, địa phương sẽ tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tới người dân về kế hoạch di dời cũng như những chính sách hỗ trợ mà chủ cơ sở, trang trại chăn nuôi nhận được khi chấp hành chủ trương. Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết thời gian tới địa phương cũng sẽ tiếp tục rà soát thống kê, báo cáo tổng hợp các cơ sở, trang trại chăn nuôi, nhà yến bao gồm cả có phép và không phép. Trên cơ sở đó huyện tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh để có hướng giải quyết phù hợp, thỏa đáng cho người dân.

Trong chiến dịch thực hiện rà soát, kiểm tra các cơ sở, trang trại chăn nuôi, nhà yến trên địa bàn thời gian tới đây, UBND huyện Dầu Tiếng cũng chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tổ chức ký cam kết thực hiện di dời hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi nghề nghiệp đối với các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi. Ngoài ra, từ nay đến hết năm 2024, địa phương cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện không để xảy ra trường hợp phát sinh xây mới hoặc tăng quy mô nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi. Tinh thần chung của lãnh đạo huyện là không cấp phép cho các tổ chức, cá nhân xây dựng mới, cơi nới, mở rộng diện tích và quy mô các cơ sở chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi.

 Đến nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 252 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó có 123 trại gia cầm (89 trại lạnh, 34 trại hở); 129 trại nuôi gia súc (có 61 trại hở, 65 trại lạnh). Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có khoảng 309 hộ nuôi chim yến và 10 hộ nuôi động vật hoang dã. Lãnh đạo huyện cho biết, trước mắt đã có 7 hộ chăn nuôi heo, gà ở khu vực xã Minh Hòa ký cam kết di dời đến địa điểm chăn nuôi phù hợp, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh vào thời điểm cuối năm 2022.

 ĐÌNH THẮNG