Huyện Dầu Tiếng: Đầu tư hạ tầng, khai phá tiềm năng

Thứ tư, ngày 07/07/2021

(BDO)  Dầu Tiếng với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, đang là một địa phương có tốc độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối nhanh. Đây được xem là một chính sách mang tính chiến lược khi các công trình đầu tư xây dựng đều xác định rõ phương châm “đón đầu tương lai” để phát triển. Một trong số đó là hệ thống cảng thủy, bến thủy nội địa đang được quy hoạch và sớm đầu tư xây dựng trong những năm tới.

 Hạ tầng giao thông phát triển sẽ là điều kiện để huyện Dầu Tiếng khai phá tiềm năng du lịch. Trong ảnh: Du khách tham quan Khu di tích lịch sử rừng Kiến An (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp). Ảnh: HỒNG THUẬN

 Thúc đẩy kinh tế

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành có tốc độ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh đang gặp những vấn đề chung về giao thông - vận tải. Phần lớn các địa phương hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ với tốc độ và khối lượng hàng hóa được lưu thông, vận chuyển từ cơ sở sản xuất đến hệ thống cảng biển khá hạn chế. Chính từ sự hạn chế này mà tốc độ phát triển của nhiều địa phương đã bị kéo chậm lại một cách đáng kể.

Được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng quy mô, khang trang và hiện đại, nhưng xét trên thực tế trong những năm qua tình trạng quá tải trong lưu thông hàng hóa ở Bình Dương diễn ra thường xuyên. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải vào năm 2020, ở Bình Dương cứ mỗi 3 phút sẽ có một chiếc xe container chạy ra đường (chưa kể số lượng các loại phương tiện khác như xe ô tô con, xe tải, xe khách…). Với mật độ lưu thông ở mức cao, việc đáp ứng nhu cầu bằng đường bộ sẽ là một bài toàn khó.

Trong chương trình quy hoạch hệ thống cảng thủy, bến thủy nội địa để góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh tầm nhìn đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 18 cảng thủy, bến thủy nội địa. Các công trình này sẽ được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động đa mục đích như phục vụ vận tải hàng hóa, vận tải hành khách và chuyên dùng cho một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù khác. Trong đó, cảng hàng hóa, bao gồm: An Sơn, An Tây, Rạch Bắp, Phú Cường Thịnh, Thanh An, Tân Vạn, Thái Hòa, Thạnh Phước, Thường Tân, Nguyên Ngọc; cảng hành khách có Bà Lụa; cảng chuyên dùng có Thế Giới Nhà, cảng kho xăng dầu Chánh Mỹ, cảng kho xăng dầu Phú Cường, cảng kho xăng dầu Vĩnh Phú, cảng chuyên dùng An Tây, cảng kho xăng dầu và gas Bình Thắng, cảng kho xăng dầu và gas Khánh Bình.

Dọc sông Sài Gòn, đoạn qua địa bàn Dầu Tiếng có 2 cảng, bao gồm: Cảng thủy nội địa Phú Cường Thịnh đóng trên địa bàn xã Thanh Tuyền và cảng Thanh An đóng trên địa bàn xã Thanh An. Hai cảng thủy nội địa này được dự kiến sẽ góp phần tạo ra sức bật mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Dầu Tiếng khi chính thức đưa vào hoạt động. Cụ thể, thông qua những cảng thủy nội địa này, việc lưu thông hàng hóa từ các khu, cụm công nghiệp đóng trên địa bàn huyện Dầu Tiếng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đây sẽ là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp càng có thêm động lực để tham gia đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đang xây dựng trên địa bàn huyện.

Khai phá tiềm năng

Ngoài việc thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa giữa các vùng kinh tế trọng điểm của huyện Dầu Tiếng với các địa phương, tỉnh, thành khác, hệ thống cảng thủy, bến thủy nội địa được đầu tư xây dựng trên sông Sài Gòn đoạn qua Dầu Tiếng cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch địa phương. Qua đó, sau khi việc đầu tư xây dựng hoàn thành, các cảng thủy nội địa Phú Cường Thịnh, Thanh An sẽ là những điểm dừng chân lý tưởng cho các nhóm khách du lịch đi tour dọc sông Sài Gòn.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có về du lịch sinh thái, du lịch dã ngoại, du lịch văn hóa, tâm linh… hệ thống cảng thủy nội địa sau khi được đầu tư sẽ tạo nên sự kết hợp hài hòa, bền vững. Những đoàn du khách sau khi thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình hai bên sông Sài Gòn sẽ có cơ hội cập bến và ghé thăm những vườn cây ăn trái trĩu quả ở Thanh Tuyền. Từ đây, du khách cũng có thể lên xe tiếp tục ghé thăm Khu di tích lịch sử rừng Kiến An ở xã An Lập. Hoặc cũng có thể tiếp tục ngược dòng Sài Gòn đến với quê hương Thanh An anh hùng để ghé thăm, thưởng trà bên hồ Cần Nôm thơ mộng, hồ Dầu Tiếng… để thỏa mãn đam mê khám phá, du ngoạn.

Ghi nhận tình hình du lịch của huyện Dầu Tiếng những năm qua, cho thấy hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch của địa phương chưa được đầu tư đồng bộ. Dù vậy, lượng du khách từ các địa phương khác đổ về Dầu Tiếng vẫn ngày một nhiều hơn. Từ thực tế sống động, có thể khẳng định hệ thống cảng thủy, bến thủy nội địa kia sau khi được đầu tư xây dựng sẽ tạo đòn bẩy góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế - xã hội Dầu Tiếng. Đó là tiền đề vững chãi để đưa nông thôn Dầu Tiếng trở thành một vùng kinh tế trọng điểm, đặc thù của tỉnh trong tương lai.  

 ĐÌNH THẮNG