Huyện Dầu Tiếng: Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền an toàn phòng cháy chữa cháy
(BDO) Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (PCCC) 4-10, UBND huyện Dầu Tiếng đã chỉ đạo Công an huyện, các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật kiến thức, quy định về PCCC, cứu nạn cứu hộ (CNCH) đến cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và người dân.
Chỉ xảy ra vài vụ cháy nhỏ
Trong 9 tháng qua, huyện Dầu Tiếng chỉ xảy ra 3 vụ cháy nhỏ, chủ yếu là cháy thực bì khô và cỏ khô, thiệt hại không đáng kể. Kết quả trên cho thấy, sự nỗ lực, quyết tâm lớn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện trong công tác bảo đảm an toàn PCCC. Theo lãnh đạo UBND huyện Dầu Tiếng, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác bảo đảm an toàn PCCC&CNCH phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn, từng thời điểm (đặc biệt là cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng liên tục) nhằm hạn chế các sự cố cháy, nổ xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.
Hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC 4-10, lực lượng chức năng huyện Dầu Tiếng ra quân tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng PCCC&CNCH
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết nhiều biện pháp phòng ngừa cháy, nổ được lực lượng chức năng huyện và các địa phương duy trì hiệu quả ngay từ đầu năm, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về PCCC; hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC, cách thoát nạn an toàn đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. “Ngoài ra, đặc thù của huyện có rừng phòng hộ Núi Cậu, do đó thời gian qua, UBND huyện cũng yêu cầu Công an huyện, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp PCCC rừng; yêu cầu phối hợp bố trí phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ, chuẩn bị chu đáo dụng cụ, phương tiện thực hiện bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống phát sinh cháy, nổ theo phương châm “4 tại chỗ”; tích cực tuyên truyền, kiểm tra và thực hiện tuần tra bảo đảm an toàn PCCC; tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu các hộ dân sinh sống ven rừng cam kết không tự ý đốt nương rẫy, đốt rác tránh gây cháy lan, gây nguy hiểm, tiếp tục nâng cao nhận thức bảo vệ rừng. UBND huyện nghiêm cấm mọi hành vi đốt thực bì làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, giáp ranh rừng…”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.
Nhiều hoạt động hưởng ứng
Hưởng ứng Tháng an toàn PCCC, lực lượng chức năng huyện Dầu Tiếng đang đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền bảo đảm an toàn PCCC trong nhân dân. Nhằm tiếp tục nêu cao tinh thần PCCC là trách nhiệm của toàn dân, lực lượng chức năng huyện tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC&CNCH và kết hợp ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC cho chủ các doanh nghiệp, tiểu thương ở các chợ, hộ kinh doanh, người dân tại các khu dân cư, thầy cô và học sinh tại trường học, cơ sở kinh doanh xăng dầu, chủ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý. Trong đó, Công an huyện Dầu Tiếng là lực lượng nòng cốt phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện, Phòng Văn hóa thông tin thực hiện tuyên truyền, treo băng rôn trên các trục đường chính, đường trọng điểm, trụ sở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; tuyên truyền trực tiếp, hướng dẫn tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cấp phát ít nhất 3.000 tờ rơi, cẩm nang khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC&CNCH.
Qua chương trình trải nghiệm “Một ngày làm chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH”, Công an huyện Dầu Tiếng truyền tải kiến thức PCCC, kỹ năng CNCH, thoát hiểm an toàn cho học sinh
Ghi nhận của P.V báo Bình Dương, những ngày qua, nhiều xe tuyên truyền lưu động của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Dầu Tiếng và Phòng Văn hóa thông tin huyện đã diễu hành tuyên truyền các nội dung về an toàn PCCC&CNCH liên tục trên tuyến đường nội ô của thị trấn Dầu Tiếng, các trục đường chính tập trung đông dân cư, có lưu lượng lớn phương tiện qua lại tại các xã, như: Thanh An, Thanh Tuyền, Minh Hòa… để lan tỏa công tác bảo đảm an toàn PCCC, mong muốn mỗi người dân sẽ trở thành một “chiến sĩ” trên mặt trận phòng chống “giặc lửa”.
Lãnh đạo Công an huyện Dầu Tiếng cho biết lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện luôn bảo đảm công tác thường trực chiến đấu 24/24, sẵn sàng tham gia chữa cháy và CNCH; đồng thời phối hợp với các đơn vị khác khi được điều động. Song song đó, 9 tháng năm 2024, Công an huyện Dầu Tiếng đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng phát hơn 35 tin, bài phóng sự ở chuyên mục về PCCC; phát 7.800 tài liệu cẩm nang, tờ rơi tuyên truyền về PCCC; tổ chức hàng chục lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng với gần 3.350 lượt người tham dự; kiểm tra, hướng dẫn hơn 200 lượt cơ sở, thực hiện hơn 1.405 giải pháp an toàn về PCCC... “Đáng chú ý, để tạo sân chơi bổ ích cũng như tăng cường tuyên truyền pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn PCCC&CNCH, phòng ngừa đuối nước trong dịp nghỉ hè, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Dầu Tiếng đã phối hợp thực hiện hàng loạt hoạt động, chương trình trải nghiệm thực tế “một ngày làm chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH” tại các địa phương, trường học trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp học sinh nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCC từ sớm, thay đổi và tạo những thói quen, hành động đẹp góp phần xây dựng môi trường sống, môi trường học đường an toàn, lành mạnh hơn”, lãnh đạo Công an huyện Dầu Tiếng nhấn mạnh.
Để “cánh tay nối dài” vững kiến thức, giỏi nghiệp vụ PCCC
Nhằm phát huy phương châm “4 tại chỗ” hiệu quả hơn trong phòng, chống cháy nổ, Công an huyện Dầu Tiếng đang tập trung tuyên truyền kiến thức, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở. Theo Công an huyện Dầu Tiếng, lực lượng này được ví như “cánh tay nối dài” của công an trong việc tham gia hỗ trợ, giữ gìn ANTT. Hàng ngày, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở huyện Dầu Tiếng tham gia đồng hành cùng lực lượng công an thực hiện tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật, trong đó có công tác PCCC. Khi phát sinh tình huống cháy, nổ thì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có thể vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào việc xử lý đám cháy trong thời gian đầu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản. |
HƯNG PHƯỚC