Huyện Dầu Tiếng: Chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai
(BDO) Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, hàng năm huyện Dầu Tiếng luôn chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Ngành chức năng kiểm tra cửa van cống lấy nước hồ Cần Nôm, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng
Ch ủ động ứng phó
Trong những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) luôn được UBND huyện Dầu Tiếng tập trung chỉ đạo các đơn vị xã, thị trấn triển khai kịp thời; đồng thời, chủ động phối hợp khắc phục hậu quả, bảo đảm an toàn khi thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện.
Trong năm 2021, trên địa bàn huyện xảy ra lốc xoáy làm sập và tốc mái 436 căn nhà, thiệt hại hơn 181ha cây trồng của 99 hộ dân. Thiên tai gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH của huyện. Tổng giá trị thiệt hại với số tiền hơn 42 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo UBND huyện Dầu Tiếng, khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện, các xã, thị trấn chỉ đạo các lực lượng, ngành công an, quân sự phối hợp hỗ trợ người dân di dời, sơ tán và tổ chức tìm kiếm nạn nhân, thu dọn cây xanh bị ngã, đổ, triển khai phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông, bảo đảm an toàn giao thông tại các tuyến đường bị ngập… Đồng thời, các ngành hỗ trợ nhân dân kịp thời khắc phục sửa chữa ngay những thiệt hại do thiên tai. Trong năm 2021, huyện đã chi hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho các hộ dân bị tốc mái và thiệt hại về cây trồng.
Trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai luôn được UBND huyện quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều văn bản chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó khi mưa bão xảy ra. Huyện giao cơ quan thường trực phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy lợi tỉnh và Công ty TNHH MTV khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa nắm tình hình khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai, xả tràn hồ Dầu Tiếng kịp thời thông báo đến các địa phương, nhân dân trên địa bàn biết để tổ chức phòng, tránh có hiệu quả.
Mặt khác, công tác trực ban PCTT được thực hiện nghiêm túc từ cấp huyện đến xã, thị trấn. Công tác chỉ đạo, tổ chức ứng phó với thiên tai được thực hiện đúng kế hoạch, phương án đã ban hành. Lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó thiên tai được huy động đầy đủ, tuân thủ phương châm 4 tại chỗ đạt hiệu quả cao, kịp thời xử lý sự cố thiên tai xảy ra.
Xây dựng phương án phù hợp
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết công tác PCTT-TKCN trên địa bàn huyện được sự quan tâm của UBND tỉnh, các sở, ngành và sự chỉ đạo thường xuyên sâu sát của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện. Việc xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện, huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ được thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao.
Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Dầu Tiếng ban hành “Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn huyện” nhằm giúp cho các cấp chính quyền và nhân dân trong huyện chủ động hơn trong công tác ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác PCTT-TKCN, trong năm 2022, phương hướng nhiệm vụ được huyện đề ra với các nội dung: Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp theo quy định; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban PCTT theo quy định, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết mưa, bão; tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm phát hiện hư hỏng, đề xuất giải pháp xử lý, bảo đảm hiệu quả công trình. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong thực hiện xây dựng cộng đồng an toàn gắn với thực hiện tiêu chí an toàn về PCTT trong xây dựng nông thôn mới…
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, chủ động ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân, góp phần quan trọng phát triển KT-XH của huyện.
THOẠI PHƯƠNG