Huyện Bàu Bàng: Thương mại - dịch vụ ngày càng khởi sắc

Thứ ba, ngày 21/11/2023

(BDO) Những năm qua, bên cạnh sự phát triển thương mại - dịch vụ (TMDV) khu vực trung tâm, huyện Bàu Bàng đã tận dụng lợi thế từng địa phương để đẩy mạnh lĩnh vực này. Qua đó, giúp nhiều hộ dân mở rộng kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thúc đẩy kinh tế địa phương.

 Huyện Bàu Bàng khuyến khích đầu tư, đa dạng loại hình thương mại, dịch vụ. Trong ảnh: Sản xuất cơm cháy tại hộ anh Nguyễn Đức Tuân, xã Hưng Hòa giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

 Khai thác thế mạnh

Phát huy lợi thế gần trung tâm huyện và có tuyến đường ĐT741B chạy qua, xã Hưng Hòa đã đẩy mạnh, đa dạng hóa các lĩnh vực TMDV như bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ ăn uống, thuốc tây, thời trang, làm đẹp... Dạo qua đoạn đường này dễ dàng bắt gặp các hàng quán được mở ra dọc hai bên tuyến đường phục vụ cho nhu cầu của người dân, công nhân lao động.

Bên cạnh đó, với lợi thế có một phần Khu công nghiệp Tân Bình đứng chân tại địa phương, xã Hưng Hòa phát triển mạnh dịch vụ cho thuê nhà trọ với 3.218 phòng trọ trải đều tại các ấp. Chị Trần Thị Tuyết, Trưởng ban Điều hành ấp 5, cho biết một số người dân trong ấp đã tận dụng quỹ đất để xây dựng nhà trọ cho thuê, có thu nhập ổn định. Hiện cả ấp có 37 khu nhà trọ với 420 phòng trọ được xây dựng kiên cố đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình và các khu công nghiệp lân cận.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, cho biết trên địa bàn xã hiện có 1 chợ truyền thống, 2 cửa hàng tiện ích và 300 hộ buôn bán nhỏ lẻ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đặc biệt, nhờ có khu công nghiệp đã thu hút nhiều người từ các vùng miền về đây sinh sống và làm việc từ đó thúc đẩy được nền kinh tế xã nhà, góp phần nâng cao tỷ trọng công nghiệp cũng như từng bước chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang TMDV.

 Để đẩy mạnh phát triển TMDV nông thôn, huyện đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí để các địa phương xây mới, nâng cấp hệ thống đường giao thông, chợ và hạ tầng thương mại, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các ngành chức năng làm tốt công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ, triển lãm, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nhằm tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cũng là một xã nông thôn, nằm cách trung tâm hành chính huyện Bàu Bàng 13km về phía bắc nhưng vị trí địa lý của xã Trừ Văn Thố khá thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Xã có các trục đường Quốc lộ 13 đi qua dài 2km, ĐT750 dài hơn 6km, phía đông giáp xã Tân Long, huyện Phú Giáo, phía nam giáp thị trấn Lai Uyên, phía bắc giáp phường Thành Tâm, TX.Chơn Thành, tỉnh Bình Phước tạo thuận lợi cho sự kết nối giao thương, lưu thông hàng hóa và đi lại cho người dân.

Những năm gần đây, hoạt động thương mại trên địa bàn xã Trừ Văn Thố phát triển tương đối nhanh, các doanh nghiệp lớn đầu tư các cửa hiệu tương đối quy mô tại khu vực ngã ba trung tâm của xã. Xã có 2 chợ hoạt động ổn định, các chợ đều đạt chuẩn theo quy định của tỉnh, có khu vực để xe và nhà vệ sinh công cộng. Ngoài ra, trên địa bàn có 3 cửa hàng tiện ích, siêu thị mini… đáp ứng tốt nhu cầu người dân trên địa bàn. Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, xã đã hình thành các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trên địa bàn.

Ông Trần Xuân Trà, Chủ tịch UBND xã Trừ Văn Thố, chia sẻ trong điều kiện khó khăn chung về kinh tế, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội của xã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa một số lĩnh vực, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân để phát triển kinh tế địa phương. Kinh tế phát triển theo hướng bền vững, ổn định, gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Năm 2023, ước tính thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 80 triệu đồng/người/năm.

Tạo điều kiện phát triển

Để khai thác triệt để lợi thế, đẩy mạnh phát triển TMDV, những năm qua, huyện khuyến khích, hỗ trợ các địa phương huy động, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển TMDV; chú trọng kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, sản xuất trên địa bàn; khuyến khích các hộ dân sinh sống tại các địa phương mạnh dạn đầu tư, mở rộng kinh doanh, cung cấp dịch vụ theo nhu cầu thị trường. Nhờ đó, số lượng cơ sở kinh doanh TMDV trên địa bàn huyện ngày càng tăng, hiện toàn huyện có 6.678 cơ sở kinh doanh.

Anh Nguyễn Đức Tuân ở ấp 3, xã Hưng Hòa là một trong những điển hình. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, cơ sở sản xuất cơm cháy được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2022 đã giúp gia đình anh cải thiện thu nhập, ngoài ra còn giải quyết việc làm cho 6 nhân công lao động. Anh Tuân cho biết: “Mỗi ngày cơ sở cung cấp khoảng 1.000 suất (gói) cơm cháy cho khách hàng. Sản phẩm đang được cán bộ địa phương hỗ trợ đăng ký sản phẩm OCOP, hy vọng cơ sở sẽ mở rộng được thị trường tiêu thụ”.

Anh Tuân cho biết thêm, trước đây người dân phải lên tận trung tâm huyện để tìm mua những mặt hàng có giá trị, giờ đây được đáp ứng tất cả các nhu cầu ngay tại địa phương. Dù là xã nông thôn nhưng dịch vụ viễn thông, internet phát triển, khi có nhu cầu, người dân trong xã còn dễ dàng tìm kiếm thông tin, thuê các dịch vụ tại nhà hay đặt mua trực tuyến mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và được nhân viên giao hàng vận chuyển đến tận nơi. Người dân được tạo điều kiện, hỗ trợ để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh giúp cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

 TIẾN HẠNH