Huyện Bàu Bàng: Phát triển hiệu quả kinh tế nông thôn
(BDO) Huyện Bàu Bàng là một trong những trung tâm công nghiệp của tỉnh, nhưng địa phương vẫn rất quan tâm phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, huyện tập trung phát triển kinh tế tập thể, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng nông thôn mới... góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân. Sự kết hợp hài hòa giữa công nghiệp và nông nghiệp đã tạo nên diện mạo kinh tế đa dạng và bền vững cho địa phương.
Huyện Bàu Bàng chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP góp phần nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản của địa phương. Trong ảnh: Mô hình trồng rau thủy canh của chị Nguyễn Thị Thảo, xã Lai Hưng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Tạo sức bật mới
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 hợp tác xã và 8 tổ hợp tác. Các hợp tác xã, tổ hợp tác đã và đang nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề, chủ động góp vốn đầu tư, liên kết với các thành phần kinh tế khác nhằm mang lại hiệu quả, giải quyết việc làm cho người lao động.
Theo lãnh đạo huyện Bàu Bàng, xác định phát triển kinh tế nông thôn nhằm mục đích nâng cao đời sống người dân, huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ các cơ sở, cá nhân có sản phẩm tiềm năng xây dựng hồ sơ, xây dựng vùng nguyên liệu, xúc tiến thương mại để trở thành sản phẩm OCOP, góp phần đa dạng sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Đáng chú ý, Chương trình OCOP đã tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn huyện Bàu Bàng. Chương trình mở ra cơ hội phát triển sản xuất, gia tăng giá trị nhiều loại sản phẩm đặc trưng của các địa phương. Ngoài các sản phẩm nông nghiệp như bưởi da xanh, rau an toàn, huyện phát triển các sản phẩm OCOP chế biến như tổ yến tinh chế, giò thủ, gạo tươi nguyên cám... góp phần đa dạng sản phẩm OCOP cho địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị. Đến nay, qua 3 lần đánh giá, huyện đã có 20 sản phẩm tham gia đánh giá đạt 3 sao, trong đó có 1 sản phẩm đang làm thủ tục nâng hạng 4 sao. Các sản phẩm OCOP trên địa bàn có tiềm năng lớn trong liên kết phát triển sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành trong khu vực.
Tích cực hỗ trợ nông dân
Nhận thức rõ tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Bàu Bàng đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Vương Đình Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bàu Bàng, thời gian qua, bên cạnh tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ giúp nông dân tiếp cận kiến thức, kỹ thuật canh tác hiện đại, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện cung ứng và giới thiệu giống vật nuôi, cây trồng, vật tư nông nghiệp, thiết bị sản xuất... có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng giúp nông dân tăng thu nhập, đầu tư vào sản xuất. Từ đầu năm đến nay, huyện cũng tổ chức các chuyến tham quan học hỏi mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho nông dân trên địa bàn huyện. Đây là một hoạt động thiết thực, giúp nông dân tiếp cận những kiến thức và kỹ năng mới, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Thảo, ấp Cầu Đôi, xã Lai Hưng, chuyên sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, có 6 sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, cho hay tham gia các chương trình triển lãm trưng bày sản phẩm giúp sản phẩm đạt OCOP của chị tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng. Đây cũng là dịp để người nông dân có cơ hội quảng bá sản phẩm.
Huyện Bàu Bàng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, như hỗ trợ vốn vay ưu đãi, phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả; hỗ trợ xây dựng thương hiệu thông qua tổ chức các hội chợ, triển lãm giúp nông sản của địa phương đến nhiều hơn với người tiêu dùng…
TIẾN HẠNH