Huyện Bàu Bàng: Huy động sức dân lập bếp ăn “0 đồng”
(BDO) Bằng tình thương, trách nhiệm với cộng đồng và hơn hết là mong muốn chung tay đẩy lùi dịch bệnh, hơn 2 tháng qua, nhiều bếp ăn “0 đồng” ở Bàu Bàng vẫn luôn đỏ lửa, nấu những suất ăn miễn phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, truyền hơi ấm tình thương lan tỏa đến cộng đồng…
Hàng ngàn suất cơm đã được các bếp “0 đồng” mang đến Trung tâm Y tế và các chốt trực trên địa bàn huyện Bàu Bàng
Đỏ lửa yêu thương mỗi ngày
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ nhiều tháng qua huyện Bàu Bàng đã nỗ lực phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn để từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Trong đó, nhiều bếp ăn “0 đồng” đã ra đời để giúp đỡ kịp thời cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, động viên họ vì đã hết mình vì sức khỏe nhân dân.
Chị Vũ Thị Kim Loan, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Bàu Bàng, cho biết: “Qua vận động, hội đã kêu gọi các nhà hảo tâm xây dựng được 4 bếp “0 đồng” trên địa bàn 3 xã Lai Hưng, Lai Uyên, Tân Hưng. Trung bình mỗi ngày, các bếp nấu khoảng 400 suất ăn, cao điểm có ngày lên đến 800 phần. Đến thời điểm hiện tại, 4 bếp đã nấu được hàng chục ngàn suất ăn. Nguồn lực để thực hiện bếp ăn này được vận động nhân dân và các nhà hảo tâm ủng hộ”.
Bất chấp cái nắng nóng của thời tiết, hàng chục tình nguyện viên của bếp ăn “0 đồng” ở Bàu Bàng vẫn thay phiên nhau có mặt tại địa điểm đặt bếp. Từ sáng sớm mỗi ngày, các bếp bắt đầu “đỏ lửa” cho bữa trưa, rồi sang bữa chiều, bữa khuya. Bằng sự nhiệt tình và trách nhiệm, mỗi người một việc, người nhặt rau, người thái thịt, người đứng bếp nấu cơm, dù ướt đẫm mồ hôi nhưng ai nấy đều vui vẻ với mong muốn làm sao để những suất ăn đưa đến Trung tâm Y tế huyện và các chốt trực gác trên địa bàn đúng giờ và đầy đủ chất dinh dưỡng nhất. Thực đơn được các tình nguyện viên cố gắng thay đổi liên tục trong khả năng, nhằm bảo đảm đủ dinh dưỡng, giúp mọi người được ngon miệng hơn.
Những suất cơm nghĩa tình
Cầm hộp cơm trên tay, nhiều cán bộ, chiến sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng và các điểm chốt gác trực trên địa bàn huyện ai cũng cảm thấy ấm lòng vì những suất ăn vừa miệng, đa dạng mỗi ngày. Chị Nguyễn Thị Ngọc Linh, đại diện 1 bếp ăn ở thị trấn Lai Uyên, chia sẻ: “Nhóm bếp 0 đồng của chúng tôi có 6 người tham gia. Khi dịch bệnh bùng phát, thấu hiểu sự vất vả của đội ngũ y, bác sĩ, nhóm đã bắt đầu những suất cơm đầu tiên gửi tặng y, bác sĩ và tất cảnhững người trong khu cách ly. Sau này, khi không thể nấu hết cho tất cảnhững người đang cách ly vì quá đông, nhóm chuyển hướng sang nấu cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các bếp ăn này được duy trì là nhờ sự góp tiền, góp sức của các nhà hảo tâm và người dân, có khi được hỗ trợ lương thực, thực phẩm từ Hội Chữ thập đỏ huyện… Tất cả đều hướng tới sự sẻ chia khó khăn và giúp đỡ các lực lượng tham gia chống dịch”.
Qua vận động, hội đã kêu gọi các nhà hảo tâm xây dựng được 4 bếp “0 đồng” trên địa bàn 3 xã Lai Hưng, Lai Uyên, Tân Hưng. Trung bình mỗi ngày, các bếp nấu khoảng 400 suất ăn, cao điểm có ngày lên đến 800 phần. Đến thời điểm hiện tại, 4 bếp đã nấu được hàng chục ngàn suất ăn. Nguồn lực để thực hiện bếp ăn này được vận động nhân dân vàcác nhà hảo tâm ủng hộ”. (Chị Vũ Thị Kim Loan, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Bàu Bàng) |
Chia sẻ về niềm vui khi tham gia làm việc tại bếp ăn “0 đồng”, chị Nguyễn Thị Ngọc Hương (ấp 3, xã Trừ Văn Thố, cho hay: “Tôi tham gia bếp ăn này với mong muốn góp phần nhỏ bé công sức vào nấu những suất cơm “0 đồng” gửi đến các y, bác sĩ, những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm trực tại các chốt kiểm soát dịch. Việc làm của chúng tôi rất nhỏ bé so với sự hy sinh của các lực lượng tuyến đầu”.
Là người khởi xướng và điều phối nhóm bếp, chị Vũ Thị Kim Loan rất vui khi nói về những bếp này. Chị Loan cho biết thêm: “Tình nguyện viên tham gia bếp ăn là những người dân, mỗi người 1 nghề nhưng đã dần dần trở nên chuyên nghiệp để có thể nấu những suất ăn đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng mỗi ngày phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Do không có đồ nấu chuyên dụng nên có khi mỗi nhà dân cắm 1 nồi cơm để góp vào nhưng ai cũng rất vui. Điều đặc biệt, những bếp ăn “0 đồng” này làm việc rất cơ động. Không kể ngày hay đêm, cứ lúc nào lực lượng tuyến đầu cần là bếp lại đỏ lửa để nấu, dù chỉ mấy phần”.
“Ngoài ra, để bảo đảm an toàn và vệ sinh, các tình nguyện viên luôn thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế, thường xuyên test Covid-19, cứ 3 ngày sẽ test 1 lần”, chị Loan cho biết thêm.
HUỲNH THỦY