Huyện Bàu Bàng: Chuẩn bị sớm hàng hóa phục vụ tết

Thứ tư, ngày 25/12/2024

(BDO)  Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, huyện Bàu Bàng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu, đồng thời bình ổn giá cả thị trường.

 Cửa hàng Bách hóa xanh đã chuẩn bị nhiều mặt hàng phục vụ tết

 Hàng hóa dồi dào

Năm 2024, huyện Bàu Bàng đã khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đầu tiên trên địa bàn tại xã Trừ Văn Thố. Việc khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bà Trương Thị Hồng, chủ cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, cho biết cửa hàng đã thiết kế những giỏ quà tết để phục vụ người tiêu dùng. Cùng với những mặt hàng thiết yếu khác, cửa hàng cung cấp thêm sản phẩm OCOP, bảo đảm mức giá cạnh tranh nhất.

Tại chợ Khu công nghiệp Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, hầu hết các tiểu thương cho rằng năm nay hoạt động buôn bán khởi sắc hơn so với năm trước. Chị Nguyễn My, chủ cửa hàng bán trái cây tại chợ, cho hay năm nay, không khí buôn bán tại chợ tốt hơn năm trước. Khách hàng mua sắm ở đây chủ yếu là công nhân, do vậy thời điểm bán hàng tốt nhất là dịp cuối năm, dịp tết. Chị đang nhập thêm nhiều mặt hàng để phục vụ khách hàng dịp tết.

Tại các cửa hàng Bách hóa xanh trên địa bàn huyện hiện đã bày bán các mặt hàng tết. Đại diện quản lý một cửa hàng Bách hóa xanh ở xã Trừ Văn Thố cho biết trên địa bàn xã có 2 cửa hàng Bách hóa xanh, khách hàng mua sắm phần lớn là công nhân. Với nguồn hàng dồi dào và đa dạng, giá cả ổn định, cửa hàng luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng dịp tết. Cửa hàng cũng có chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút khách hàng.

Có thể thấy, thời điểm này hoạt động kinh doanh trên địa bàn huyện Bàu Bàng diễn ra khá sôi động. Các cửa hàng Bách hóa xanh, Điện máy xanh, Thế giới di động... tiếp tục thu hút khách hàng; chợ truyền thống có đầy đủ mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống người dân... tạo nên bức tranh phát triển ngành thương mại - dịch vụ huyện nhà.

Bình ổn thị trường

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thiết yếu cho người dân trên địa bàn huyện trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, huyện Bàu Bàng đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa, thực hiện bình ổn thị trường bắt đầu từ ngày 31-12- 2024 đến hết 1-3-2025, sau đó tiếp tục triển khai các tháng còn lại trong năm 2025.

Theo đó, chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu sẽ được triển khai trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện, với các nhóm hàng lương thực; thực phẩm chế biến; thực phẩm tươi sống... Các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ tổ chức các điểm bán hàng cố định, bán hàng lưu động; tổ chức tuyên truyền và treo băng-rôn “Điểm bán hàng bình ổn” để người dân biết, mua sắm.

Theo lãnh đạo huyện Bàu Bàng, bên cạnh thực hiện chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu, huyện cũng bố trí các điểm bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ lưu động 2-3 ngày/lần bán tại 2 điểm: Xã Hưng Hòa và xã Long Nguyên. Phòng Kinh tế huyện cũng phối hợp với Ban Quản lý các chợ trên địa bàn thông báo đến tiểu thương đang kinh doanh tại chợ chuẩn bị lượng lớn hàng hóa tăng cường phục vụ dịp tết như lương thực (gạo, nếp...), thực phẩm (thịt, cá, rau củ quả, chả), quần áo may sẵn, rượu, bia, nước giải khát, kẹo, bánh mứt...

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết việc thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 nhằm hạn chế tăng giá hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; đồng thời thúc đẩy phát triển mạng lưới thương mại và đa dạng hóa loại hình điểm bán hàng bình ổn thị trường; hàng hóa bình ổn được phân phối rộng khắp đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp.

 Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Bàu Bàng dự kiến dự trữ trên 82 tấn lương thực, trên 61 tấn thực phẩm chế biến, gần 108 tấn thực phẩm tươi sống, với tổng giá trị khoảng 13,3 tỷ đồng.

 TIẾN HẠNH