Huyện Bàu Bàng: Chú trọng đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Thứ ba, ngày 13/04/2021

(BDO) Xác định giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.


Các lớp học nghề cho LĐNT thường xuyên được tổ chức tại huyện Bàu Bàng

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Tấn Phương, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng cho biết, xác định việc giải quyết việc làm cho LĐNT là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo nên huyện đã tập trung chỉ đạo tăng cường, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT; tập trung thực hiện có hiệu quả đề án giảm nghèo bền vững, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Để thúc đẩy công tác giải quyết việc làm cho LĐNT, huyện Bàu Bàng tăng cường mở các lớp đào tạo nghề nhằm trang bị thêm cho người dân những kiến thức, kỹ năng thực hành nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động. Huyện chủ động rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo, đồng thời tìm hiểu về nhu cầu học nghề, nhu cầu bồi dưỡng kiến thức của người lao động.

Năm 2020, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức hội nghị tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm mới cho 4.676 lao động; tư vấn giới thiệu việc làm, giới thiệu các lớp đào tạo nghề cho 50 quân nhân xuất ngũ trở về địa phương… Huyện cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các cơ sở dạy nghề và UBND các xã, thị trấn tổ chức 11 lớp dạy nghề cho LĐNT với 266 học viên gồm: 4 lớp xe nâng hàng, 4 lớp nấu ăn đãi tiệc và 3 lớp trang điểm. Nhiều LĐNT đã có thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp dạy nghề do địa phương phối hợp tổ chức, từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.

Ngoài ra, các phòng, ban chuyên môn của huyện còn phối, kết hợp với các hội, ban ngành, đoàn thể huyện và cơ sở thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa của công tác đào tạo nghề cho LĐNT cho người dân trên địa bàn huyện; vận động người dân mạnh dạn đăng ký tham gia các lớp học nghề để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm việc làm và giảm nghèo.

“Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho nhân dân nhận thấy được tầm quan trọng của giáo dục dạy nghề, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế; đồng thời, kết nối doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động sau đào tạo, xem đây là giải pháp quan trọng góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững”, ông Phương nói.

 HỒNG PHƯƠNG