Huyện Bắc Tân Uyên: Tăng tỷ trọng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao
(BDO) Huyện Bắc Tân Uyên có đất đai rộng, dân cư phân bố thưa thớt, là cơ hội thuận lợi để địa phương quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao (CNC) nhằm nâng cao giá trị.
Phân loại sản phẩm tại trang trại gà lạnh công nghệ cao của HTX Nhân Đức
Chăn nuôi tập trung phát triển
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên có 30 trang trại, công ty chăn nuôi áp dụng CNC. Ông Thái Minh Hoàng, Trưởng trạm Chăn nuôi - Thú y huyện, cho biết theo quy hoạch giai đoạn 2020-2025 địa bàn Bắc Tân Uyên chuyển hướng phát triển chăn nuôi CNC, giai đoạn 2020-2030 sẽ phát triển chăn nuôi CNC quy mô lớn, chủ lực là heo và gà tập trung ở 2 xã Tân Định, Hiếu Liêm.
Chăn nuôi CNC đối với gia cầm là trại lạnh quy trình khép kín, tận dụng sức máy thay cho sức người, có máng ăn tự động, nhiệt độ được điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, giống vật nuôi nhập vào phải có nguồn gốc, có giấy kiểm dịch, bảo đảm được yếu tố an toàn dịch bệnh. Hợp tác xã (HTX) Nhân Đức (ấp cây Dâu, xã Hiếu Liêm) đã áp dụng chăn nuôi CNC nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng do thiên tai, môi trường, dịch bệnh so với kiểu chăn nuôi thông thường. HTX có 3 trại gà lạnh sản xuất theo CNC gồm trại hậu bị, trại đẻ và trại ấp. Trại hậu bị nuôi dưỡng gà con nhập từ Mỹ, nuôi 22 tuần chuyển sang trại đẻ trứng, sau đó lấy trứng đưa sang trại ấp. Trung bình mỗi tháng sản xuất khoảng 1 triệu con gà, cho doanh thu 10 tỷ đồng/năm.
Theo ông Trần Thành Có, Giám đốc HTX Nhân Đức, việc áp dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất là giải pháp để thay đổi những bất lợi trong chăn nuôi truyền thống, sản phẩm có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị. Mặc dù quá trình, chi phí đầu tư trang trại khá tốn kém về máy móc, giống nhập khẩu, tuy nhiên đầu tư chăn nuôi có kiểm soát mang lại tính bền vững, lâu dài.
Huyện Bắc Tân Uyên từng bước tái cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển chăn nuôi, trồng trọt có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ được định hướng chuyển qua làm các mô hình trồng trọt ứng dụng CNC hoặc chăn nuôi hữu cơ... Ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, cho biết hiện nay trên địa bàn xã hầu hết các công ty và các trang trại đều áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Ngành chăn nuôi có hệ thống khử trùng, dây chuyền ấp trứng và chăn nuôi theo trại lạnh, có máng ăn tự động góp phần hạn chế dịch bệnh, chất lượng chăn nuôi tăng cao. Ngoài ra, địa phương đang xúc tiến việc lập quy hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp hiện đại và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất. Sản phẩm chủ lực của xã là cây ăn trái có múi và thịt gia súc, gia cầm. Việc phát triển chăn nuôi CNC theo hướng tập trung có quy mô lớn sẽ bảo đảm cho ngành nông nghiệp của địa phương phát triển bền vững, hình thành được nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị...
Khai thác lợi thế
Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Minh Hoàng cho rằng huyện Bắc Tân Uyên có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi tập trung CNC. Huyện luôn tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bên cạnh đó, quỹ đất của huyện đáp ứng được nhu cầu tập trung đầu tư xây dựng các trang trại quy mô lớn...
Để phát triển ngành chăn nuôi đúng theo định hướng, huyện Bắc Tân Uyên chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó yếu tố an toàn sinh học như nguồn gốc giống rõ ràng, thức ăn phải bảo đảm. Các phương tiện vận chuyển, người ra vào trang trại, chuồng nuôi phải được khử trùng nghiêm ngặt, vật nuôi được tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Đặc biệt, huyện chú trọng phối hợp các ngành có liên quan để bảo đảm nguồn vốn cho các trang trại, các đối tượng đủ điều kiện vay vốn phát triển chăn nuôi; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển quy mô nằm trong quy hoạch vùng, sáp nhập chăn nuôi nông hộ vào khu chăn nuôi tập trung đã quy hoạch...
Trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, huyện Bắc Tân Uyên sẽ thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành nông nghiệp theo đúng định hướng là tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp, duy trì phát triển các loại nông sản có lợi thế của huyện gắn với việc thực hiện Chương trình OCOP; từng bước tái cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển chăn nuôi, trồng trọt tập trung, có quy mô lớn và ứng dụng CNC. Trong đó, tỷ lệ chuồng trại có hệ thống xử lý chất thải giai đoạn 2021-2030 bình quân đạt 90%; đến năm 2050 bình quân đạt 100%.
TIẾN HẠNH