Huyện Bắc Tân Uyên: Siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản
(BDO) Hiện nay, hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên chủ yếu tập trung vào việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, với 20 điểm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích 612,51 ha. Các điểm này tập trung khai thác một số sản phẩm, như đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng, kaolin. Ngoài ra, huyện còn có16 bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động với tổng diện tích 49.460m2 nằm dọc theo tuyến sông Đồng Nai, nhằm phục vụ cho việc bốc xếp đáxây dựng xuống xà lan chuyên dụng…
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra thực địa mỏ khai thác đá xây dựng tại cụm mỏ Thường Tân
Chưa tác động đến môi trường xung quanh
Một số cán bộ thuộc Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho biết hoạt động khai thác sét gạch ngói, khai thác cát và khai thác kaolin ở Bắc Tân Uyên hiện chưa có các biểu hiện tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh. Sau khi thực hiện chương trình giám sát khu vực tổ chức khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên, trung tâm nhận thấy chất lượng nước xung quanh khu vực khai thác tương đối tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm cũng như có dấu hiệu tác động xấu đến môi trường. Nguyên nhân do số lượng các đơn vị được cấp phép khai thác chưa nhiều, không tập trung. Mặt khác, vị trí các mỏ khai thác bảo đảm khoảng cách an toàn với khu dân cư. Tuy nhiên, ở một số nơi xuất hiện ô nhiễm mặt nước cục bộ, tức thời, nhưng khi trời mưa xuống những cặn lơ lửng của đất, đá, khoáng sản bị cuốn trôi, chảy ra nguồn tiếp nhận. Điều đặc biệt sau thời gian được lắng tự nhiên, lượng nước ở những nơi này không còn tình trạng ô nhiễm cục bộ.
Riêng tại khu vực 2 xã Thường Tân, Tân Mỹ, do số lượng mỏ khai thác đá tập trung nhiều, vị trí mỏ khai thác xen lẫn với đất ở, đất sản xuất, một số tuyến đường vận chuyển đá khai thác lại trùng với tuyến đường dân sinh nên thường xuyên gây ra tình trạng ô nhiễm không khí (ô nhiễm bụi) cục bộ trong khu vực. Được sự quan tâm của các cấp, ngành, UBND huyện đã thực hiện phân cấp, ủy quyền về quản lý môi trường cho Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và UBND cấp xã. Hiện nay, sốlượng cán bộlàm công tác quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện có 24 người. Trong thời gian qua không chỉ tăng về số lượng, việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường luôn được chú trọng. Hiện nay, 100% cán bộ quản lý môi trường của huyện đều có trình độ đại học. Cán bộ môi trường cấp xã đạt trình độ cao đẳng hoặc tốt nghiệp chuyên ngành có liên quan đến môi trường đạt tỷ lệ 70%.
Quản lý chặt tài nguyên khoáng sản
Là một huyện mới thành lập (1-4-2014), thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hoạt động khai thác khoáng sản ngày càng hợp lý và tiết kiệm hơn. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản được UBND huyện chú trọng tổ chức thực hiện. Hệ thống loa truyền thanh từ xã đến huyện đã phát tuyên truyền khai thác khoáng sản với tổng thời lượng khoảng 9.360 phút. Xác định việc khai thác khoáng sản có thể ảnh hưởng đến tiêu chí môi trường trong chương trình mục tiêu quốc gia vềnông thôn mới, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp cùng UBND xã Thường Tân, Tân Mỹ tổ chức gặp gỡ các đơn vị khai thác đá, các chủ bến thủy nội địa để tuyên truyền, vận động cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã có 25 đơn vị ký cam kết thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đặc biệt, Công ty TNHH Phan Thanh đã đầu tư dây chuyền băng tải ngầm để vận chuyển sản phẩm đá xây dựng ra cảng sông, không phải đi ra đường giao thông chung, góp phần bảo vệmôi trường và cơ sở hạ tầng đường giao thông. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, như Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, Công ty cổ phần Miền Đông đã đầu tư xây dựng cầu cảng bến thủy nội địa để xuống đá tương đối kiên cố, hiện đại góp phần lập lại trật tự trong hoạt động của các bến đổ đá dọc sông Đồng Nai.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện luôn được chú trọng và duy trì thường xuyên. Từ ngày 1-4-2014 đến nay, UBND huyện đã tổchức kiểm tra được 15 lượt, qua đó đã phát hiện và xử lý 6 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, thương mại, xử phạt hành chính với số tiền 40,75 triệu đồng. Huyện cũng đã tham gia phối hợp cùng Sở TN&MT kiểm tra tình hình sử dụng đất đối với 10 doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các đơn vị còn gặp khó khăn trong việc lập thủ tục thuê đất đối với Nhà nước, theo đó đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục hoàn thiện các thủ tục về đất đai theo quy định.
Phải nói rằng, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã có những chuyển biến tích cực. Tài nguyên khoáng sản từng bước được quản lý, bảo vệ, không để xảy ra các điểm nóng, gây bức xúc trong nhân dân do khai thác trái phép, ô nhiễm môi trường. Đạt kết quả này, huyện luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật từ cấp huyện đến xã; quan tâm chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra, góp phần chấn chỉnh hoạt động khoáng sản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước. Trong quá trình hoạt động, các đơn vị đều chấp hành tốt quy định pháp luật, tham gia thực hiện chính sách xã hội tại địa phương, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Nhờ đó, việc bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản ngày càng được quan tâm, đem lại sự an lành cho người dân nơi đây.
P.V