Huyện Bắc Tân Uyên: Phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ tư, ngày 17/05/2023

(BDO) Sau gần 3 năm (2021-2023) thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân dần được cải thiện. Huyện đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 2/8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM.

 Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Bắc Tân Uyên tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM

 Gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Thời gian qua, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM ở Bắc Tân Uyên đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp không chỉ phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp người dân tăng cường tính chủ động, đổi mới tư duy sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong đó, tập trung quy hoạch các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái, chăn nuôi tập trung quy mô lớn tại các xã phía đông, vùng phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao ở khu vực phía tây gắn với triển khai thực hiện tốt các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục đầu tư xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp thực hiện đạt 2.765 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ, tăng bình quân 7,6% mỗi năm. Trong đó, trồng trọt chiếm tỷ trọng 78,58%, chăn nuôi chiếm tỷ trọng 21,42%. Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt 2.758 ha với các loại cây trồng có giá trị, như: Bưởi, cam, quýt, chuối, mít, sầu riêng. Trong đó, diện tích chứng nhận VietGAP, GlobalGAP 293 ha, tăng 90 ha so với năm 2020. Cùng với đó, chăn nuôi của huyện cũng phát triển mạnh, hiện trên địa bàn có 62 trang trại, gia trại, trong đó có 30 trang trại lạnh, khép kín.

Trong giai đoạn 2021-2025, triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, tổng nguồn vốn huy động gần 2.200 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 100% xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; có 7/8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và chưa có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được chú trọng đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, ngày càng đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Có thế mạnh ở lĩnh vực nông nghiệp, huyện Bắc Tân Uyên triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, đồng thời tăng sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản. Ngoài ra, địa phương còn chú trọng khai thác sản phẩm có tiềm năng và lợi thế ở địa phương, với những mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, UBND huyện đã phê duyệt và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển công nghệ sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030”.

Ngoài việc phát triển nông nghiệp, huyện luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư sản xuất, khuyến khích phát triển các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ trong nông thôn. Từ kết quả đầu tư mởrộng, tăng quy mô sản xuất, kinh doanh mà đời sống vật chất người dân nông thôn trong huyện được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn huyện đạt 96%; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện theo tiêu chí mới của Trung ương chỉcòn 0,1%. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 80 triệu đồng/người/năm.

Hướng tới huyện đạt chuẩn NTM

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Huyện luôn quan tâm tuyên truyền, vận động xây dựng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ.

Công cuộc xây dựng NTM đã tác động tích cực đến đời sống người dân nông thôn, làm thay đổi dần diện mạo vùng quê. Các công trình cơ sở hạ tầng, đường làng đã được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống người dân cải thiện rõ rệt. Đến nay, có 7/8 xã đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Để đạt mục tiêu trở thành huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025, Bắc Tân Uyên tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và tổ chức đoàn thể. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, rà soát, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nâng cao, xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, gắn chặt quy hoạch NTM với quy hoạch vùng huyện.

Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện công trình cầu, đường nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa; giải quyết việc làm, giảm nghèo… nhằm tạo sự chuyển biến mọi mặt ở khu vực nông thôn.

Ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thời gian tới, huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực xây dựng và phát triển nông thôn mới. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước theo cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM và các nguồn vốn lồng ghép của các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung chỉnh trang NTM, tạo cảnh quan môi trường nông thôn bảo đảm “sáng, xanh, sạch, đẹp, bền vững”, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng…

 THOẠI PHƯƠNG