Huyện Bắc Tân Uyên: Ngành chăn nuôi nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững
(BDO) Toàn huyện Bắc Tân Uyên hiện có 4.000 hộ chăn nuôi khoảng 1,4 triệu con gia cầm và 250 hộ chăn nuôi hơn 40.000 con gia súc. Trong đó trâu, bò có hơn 2.000 con, heo hơn 41.000 con. Chăn nuôi nông hộ (CNNH) đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân tại khu vực nông thôn.
Chăn nuôi dê, một trong những vật nuôi mới phát triển ở xã Tân Định
Nâng cao thu nhập
Sinh ra và lớn lên ở xã Lạc An, anh Lê Quang Vinh, ngụ ấp 4 bắt đầu với nghề chính là trồng trọt. Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, anh đã đầu tư mô hình nuôi heo rừng lai, mỗi năm cho lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng. Anh Lê Quang Vinh cho biết: “Nhận thấy diện tích đất gia đình rộng rãi có bãi để nuôi chăn thả, năm 2018 tôi đầu tư nuôi heo rừng lai. Tận dụng nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp tại chỗ làm thức ăn, phân heo dùng bón cho cây trồng. Sau khi bệnh dịch tả heo châu Phi được kiểm soát tôi đã tập trung tăng đàn, đồng thời áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học”.
Theo anh Vinh, đến nay tổng đàn heo của gia đình 60 con, trong đó có 12 heo nái để nhân giống, tái đàn. Giá bán heo con khoảng 1,2 triệu đồng/con từ 5 - 6kg, giá bán thịt 120.000 - 130.000 đồng/ kg. Khách hàng biết được quy trình nuôi heo của gia đình nên rất tin tưởng vì thịt heo thơm, săn chắc. Từ việc nuôi heo rừng để thêm thu nhập, đến nay trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.
Tại xã Lạc An chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đa số đều ở xa khu dân cư, vườn rộng. Việc xử lý nước thải đào hầm tự ngấm, phân thì hốt để bán hoặc bón cho các loại cây trồng góp phần bảo vệ môi trường. Để tăng hiệu quả CNNH, đầu tiên phải có diện tích đất phù hợp để làm chuồng trại và đặc biệt có đất để trồng rau cỏ làm nguồn thức ăn. “Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường, xã Lạc An phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học như nuôi dê nhốt với khoảng 8 hộ/100 con; nuôi heo rừng 3 hộ”, ông Võ Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết.
Phát triển theo hướng bền vững
Nhận thấy tầm quan trọng của CNNH tại địa phương, những năm qua ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong huyện đã định hướng để phát triển hình thức này theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững. Thay vì chú trọng tăng số lượng, chuyển sang chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện các biện pháp về an toàn sinh học để tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi, bảo đảm môi trường.
Trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên hiện có 67 trang trại chăn nuôi, trong đó có 30 trang trại hoạt động theo mô hình trại lạnh, khép kín và có tới hơn 4.000 hộ chăn nuôi. Điều này cho thấy, CNNH vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. |
Việc phổ biến, thực hiện các giải pháp nói trên đã và đang tạo được những chuyển biến tích cực trong CNNH tại một số địa phương. Tại xã Tân Định, nhiều hộ dân đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để phối trộn thức ăn, lựa chọn nguồn giống bảo đảm chất lượng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, xây dựng hầm biogas nhằm bảo vệ môi trường. Công tác tiêm phòng thuộc diện chăn nuôi hộ gia đình, nắm tình hình tái đàn sau dịch tả heo châu Phi luôn được chú trọng. Theo đó, trong năm 2021, xã Tân Định đã phát triển mới đàn heo 18.000 con bao gồm cả trang trại và hộ dân.
Ông Mai Văn Bảy, tổ 9B ấp Bằng Lăng (xã Tân Định) tận dụng diện tích đất vườn 2 ha để chăn thả, xây dựng mô hình chăn nuôi dê với số đàn 12 con. Theo ông Bảy, để CNNH có hiệu quả, người nuôi còn cần phải biết kiến thức về lựa chọn con giống, phối trộn thức ăn; phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường và tìm đầu ra ổn định. Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Cơ, ấp 1 xã Thường Tân áp dụng nuôi heo rừng an toàn sinh học với mô hình xử lý chất thải khép kín vườn ao chuồng cũng mang lại hiệu quả, tăng thu nhập cho gia đình.
Đánh giá về mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho rằng áp dụng mô hình này giúp kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, chất thải chăn nuôi cũng được xử lý hiệu quả hơn thông qua chế phẩm sinh học, góp phần bảo vệ môi trường; đặc biệt giúp hộ nông dân giảm được chi phí thức ăn nhất là trong thời điểm giá vật tư nông nghiệp, thức ăn hỗn hợp tăng cao. Huyện Bắc Tân Uyên từng bước tháo gỡ, phổ biến cho người dân nhận thức từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, liên kết các hộ chăn nuôi theo hướng tạo sản phẩm sạch để có thị trường tiêu thụ ổn định.
TIẾN HẠNH