Huyện Bắc Tân Uyên: Làm tốt công tác hòa giải cơ sở
(BDO) Những năm qua, công tác hòa giải cơ sở ở huyện Bắc Tân Uyên luôn được chú trọng. Nhờ đó những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân kịp thời giải quyết, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài, giúp tình hình trật tự địa phương luôn ổn định, bà con an tâm lao động phát triển kinh tế.
Phòng Tư pháp huyện Bắc Tân Uyên thường xuyên tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng của đội ngũ hòa giải viên cơ sở
Công tác hòa giải cơ sở có nhiều chuyển biến
Huyện Bắc Tân Uyên hiện có 54 tổ hòa giải với 445 hòa giải viên, họ đều là những người đang tham gia hoạt động trong các tổ chức đoàn thể, có khả năng vận động thuyết phục cao, được người dân tín nhiệm.
Thời gian qua, để Luật Hòa giải cơ sở và các văn bản hướng dẫn có liên quan đi vào cuộc sống, hàng năm UBND các xã, thị trấn đã kịp thời rà soát củng cố kiện toàn đội ngũ hòa giải viên các tổ hòa giải, bảo đảm về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp huyện thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, tổ chức hội thi hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp, sinh hoạt.
5 năm qua, tổng số vụ việc các tổ hòa giải nhận được là 434 vụ, đưa ra hòa giải 434 vụ. Tỷ lệ hòa giải thành được nâng cao, tổng cộng đã hòa giải thành 377 vụ việc, đạt tỷ lệ 86,9%. Lĩnh vực, phạm vi hòa giải chủ yếu là các tranh chấp dân sự, tranh chấp quyền sử dụng đất đai; kiến nghị, phản ánh về ô nhiễm môi trường và những mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư. Riêng năm 2020, tổng số đơn tiếp nhận hòa giải là 31, trong đó hòa giải thành 30 đơn, chiếm tỷ lệ 96,8%.
Ông Bùi Văn Cường, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Thời gian qua, chất lượng hoạt động hòa giải của huyện được nâng lên đáng kể. Các tổ hòa giải ở địa phương hoạt động ngày càng hiệu quả. Trong thời gian tới, để công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực, chúng tôi tiếp tục phối hợp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹnăng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải ở cơ sở...”.
Những hòa giải viên năng nổ
Để công tác hòa giải trên địa bàn huyện có những kết quả phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Có nhiều năm tham gia tổ hòa giải, bà Lê Thị Diệu, tổ phó tổ hòa giải khu phố 1, thị trấn Tân Thành, cho biết: “Làm công tác hòa giải cơ sở có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều niềm vui. Hòa giải không chỉ để giải quyết mâu thuẫn nhất thời mà còn giúp hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình. Làm việc này phải từ cái tâm, trách nhiệm thì mới bền lâu được”.
Cuộc sống có nhiều lý do dẫn đến hiểu nhầm, mỗi lần nhận được đơn, thư của mọi người là bà Diệu cùng các thành viên trong tổ dành thời gian xác minh, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có cách phân xử hợp lý. Vừa làm công tác hòa giải, vừa là nơi để mọi người giải bày tâm sự để thông qua đó cán bộ hòa giải mới nắm được vấn đề mấu chốt để tìm cách tháo gỡ.
Cũng có hơn 8 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực hòa giải nhiều năm, bà Lê Thị Làn, tổ trưởng tổ hòa giải ấp 2, xã Tân Định, cho biết: “Bà con hàng xóm với nhau nhiều khi chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt nhưng không biết phân định đúng sai nên dẫn đến cãi vã rồi kiện tụng nhau làm mất tình làng nghĩa xóm. Một phần do sự hiểu biết của họ còn hạn chế, một phần do bản tính nóng nảy của mỗi con người nên đẩy mọi chuyện đi xa hơn. Lúc này vai trò của những hòa giải viên cơ sở như chúng tôi mới thực sự phát huy hiệu quả”.
Những người làm công tác hòa giải như bà Diệu, bà Làn thừa nhận làm công tác hòa giải là giống người trọng tài đứng giữa phân xử. Việc phân xử đụng chạm đến quyền lợi các bên là điều không tránh khỏi, vì vậy không ít lần họ bị trách oan, thậm chí bị nói nặng lời. Nhưng rồi những vụ việc được giải quyết thành công, mọi người hòa thuận, đoàn kết, những cái bắt tay nhau vui vẻ đã khiến họ quên đi vất vả để tiếp tục đồng hành công việc với mong muốn xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
HỒNG PHƯƠNG