Huyện Bắc Tân Uyên: Công nghiệp, thương mại - dịch vụ chuyển biến tích cực
(BDO) Từ một huyện thuần nông, trong những năm gần đây, công nghiệp và thương mại - dịch vụ (TM-DV) huyện Bắc Tân Uyên đã có những chuyển biến tích cực. Trên địa bàn có nhiều dự án được triển khai đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động ổn định, nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Thương mại - dịch vụ huyện Bắc Tân Uyên ngày càng phát triển, phục vụ tốt nhu cầu của người dân
Thị trường ổn định
Năm 2020, uớc tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của huyện là 2.941 tỷ đồng, tăng 13,03% so với năm 2019, đạt 102,58% kế hoạch năm. Huyện triển khai thực hiện tốt chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực TMDV.
Đầu tháng 12-2020, huyện đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức “phiên chợ vui” tại chợ Tân Thành trong vòng 1 tuần. Đây là dịp để các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa trong nước tiếp cận với thị trường nông thôn, người dân nông thôn có cơ hội mua sắm hàng Việt bảo đảm chất lượng và giá cả phù hợp. Công tác xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ nông sản thực phẩm được tăng cường.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Chánh Văn phòng UBND huyện, cho biết trên địa bàn huyện hiện nay có 7 chợ đượcđầu tư, xây dựng từ ngân sách Nhà nước, 2 chợ tư nhân (Tân Thành và Đất Cuốc). Tại các chợ trên địa bàn lượng hàng hóa tương đối phong phú, đa dạng, chất lượng hàng hóa bảo đảm, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của nhân dân, không xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, khan hiếm hoặc tăng giá đột biến các loại hàng hóa. Đặc biệt, năm vừa qua, huyện thu hút được 3 cửa hàng Bách hóa xanh tại xã Đất Cuốc, Bình Mỹ và thị trấn Tân Thành. Đây là một tín hiệu vui trên lĩnh vực TM-DV, đánh dấu thêm một bước phát triển mới. Ông Nguyễn Hùng Sơn cũng hy vọng, thời gian tới sẽ thu hút các nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị góp phần đưa ngành TM-DV của huyện ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, UBND huyện thường xuyên theo dõi, chỉ đạo bình ổn thị trường để bảo đảm hàng hóa thiết yếu nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Trong năm 2020, các ngành chức năng huyện đã tiến hành kiểm tra 1.839 trường hợp, xử lý 311 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 5,3 tỷ đồng.
Công nghiệp khởi sắc
Thời gian qua, huyện cũng tập trung đầu tư và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Trong năm 2020 các khu, cụm công nghiệp thu hút được 13 dự án. Bên cạnh đó, UBND huyện đã có văn bản phúc đáp các sở, ngành tỉnh đối với 12 dự án đầu tư ngoài về địa điểm đầu tư. Năm 2020 giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước thực hiện được 4.258 tỷ đồng, tăng 11,09% so với năm 2019. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư trong nước 2.707 tỷ đồng (tăng 11,35%) và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 1.551 tỷ đồng (tăng 10,63%). Cũng trong năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp 47 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các DN với tổng số vốn 444,2 tỷ đồng, trong đó có 39 DN trong nước và 8 DN nước ngoài. Lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện có 587 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với tổng vốn đầu tư là 10.032 tỷ đồng.
Ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết trong giai đoạn tiếp theo, huyện sẽ tiếp tục tăng cường thu hút các loại hình dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, nông nghiệp phát triển, chú trọng các loại hình dịch vụ du lịch, tài chính - tín dụng, ngân hàng, vận tải…
Cùng với đó, huyện sẽ khuyến khích xã hội hóa đầu tư các chợ, siêu thị, khu thương mại, cửa hàng tiện ích để phục vụ nhu cầu của nhân dân. Đối với lĩnh vực công nghiệp, tập trung thu hút đầu tư vào các khu, cụm đã hoàn chỉnh hạ tầng, khuyến khích đầu tư ngành nghề có công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường; tổ chức đối thoại với DN để kịp thời giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc; phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án Khu công nghiệp Đất Cuốc (mở rộng), Khu công nghiệp TânBình, Khu công nghiệp VSIP III - xã Tân Lập (giai đoạn 1).
TIẾN HẠNH