Huy động tối đa nguồn lực, phát triển giao thông đồng bộ, hiện đại

Thứ ba, ngày 19/05/2020

(BDO) Xác định phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng để tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tại địa phương, những năm qua, TX.Bến Cát đã huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Phóng viên Báo Bình Dương có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát xung quanh vấn đề này.

 Các tuyến đường nội ô thị xã được đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển

 - Xin ông cho biết đôi nét về đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn thời gian qua?

- TX.Bến Cát là địa phương có tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế nhanh. Trên địa bàn có 8 khu công nghiệp và 1 khu sản xuất tập trung diện tích gần 4.100 ha với 4.386 doanh nghiệp đang hoạt động, 37 khu dân cư, khu nhà ở với diện tích 2.142 ha. Do đó, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông là yếu tố rất quan trọng, được TX.Bến Cát quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau để kịp thời đáp ứng tốc độ phát triển của thị xã, hướng đến đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TX.Bến Cát lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Trong giai đoạn 2016-2020, thị xã đầu tư hoàn thành 98/138 công trình, dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, xã hội. Ngoài ra, thị xã còn duy tu sửa chữa, đầu tư nâng cấp 306 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 251km, tổng vốn đầu tư khoảng 341 tỷ đồng. Hệ thống chiếu sáng được đầu tư cho 499 tuyến đường, tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, nâng tổng chiều dài tuyến đường được chiếu sáng khoảng 408km. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu nhà ở cơ bản được các chủ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ, khoảng 381km, tổng mức đầu tư 7.400 tỷ đồng.

Đối với hạ tầng giao thông ở 3 xã nông thôn mới, TX.Bến Cát xác định phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá quan trọng nhất, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương nên được chú trọng đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Đến nay, trên địa bàn 3 xã nông thôn mới (An Điền, An Tây, Phú An) có 346 tuyến đường, tổng chiều dài 223km được đầu tư xây dựng, nâng cấp nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, vận chuyển hàng hóa của người dân.

- Để đạt được kết quả vừa nêu, xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện?

- Nhìn chung, TX.Bến Cát là một trong những địa phương có hạ tầng giao thông phát triển mạnh, kết nối thông suốt, đồng bộ với các tuyến đường trọng điểm đi qua, như đại lộ Bình Dương, ĐT741, ĐT744 với quy mô 6 làn xe, Mỹ Phước - Tân Vạn, Vành đai 4. Các tuyến nội ô thị xã cũng được đầu tư mở rộng như 30-4, Hùng Vương, Ngô Quyền, 7A, 7B tạo điều kiện cho TX.Bến Cát dễ dàng kết nối các khu công nghiệp, đô thị phía nam của tỉnh, trung tâm thành phố mới Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên. Ngoài ra, các tuyến đường này có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, đô thị hóa, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Để đạt được kết quả như trên, thị xã phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có vềđiều kiện tựnhiên, KT-XH. Cùng với sự đồng thuận, thống nhất trong toàn thể hệ thống chính trị; sựhưởng ứng, đồng thuận của đại đa số người dân trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của Nhà nước về giải phóng mặt bằng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, cũng như được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của các sở ngành.

Tuy nhiên, thị xã còn gặp những khó khăn trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn, như tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng một số công trình còn chậm so với kế hoạch, một vài hộ dân chưa đồng thuận với phương án, đơn giá bồi thường, thị xã phải tổ chức vận động nhiều lần. Nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chủ yếu là vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa còn hạn chế, nhất là việc huy động nguồn lực đầu tư hệ thống đường xã, ấp, xóm.

- Ông cho biết giải pháp đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới?

- Thị xã tiếp tục phát triển hệ thống giao thông theo quy hoạch, có kết cấu hạ tầng hiện đại; ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông đối ngoại, đường trục chính đô thị, các tuyến đường mang tính chiến lược, đầu tư đồng bộ đường giao thông quy mô từ 2 đến 8 làn xe tạo động lực cho phát triển KT-XH. Hạ tầng giao thông nông thôn tiếp tục được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa 100% để kết nối thông suốt từ quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện đến các ấp, xóm. Ngoài ra, thị xã sẽ tập trung khắc phục tình trạng ngập nước cục bộ trong đô thị, hoàn chỉnh hệ thống cấp thoát nước ở các khu đô thị, khu dân cư cũ; mở rộng, nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống thoát nước từ các rạch, suối ra sông Sài Gòn, sông Thị Tính; đồng thời, từng bước ngầm hóa hệ thống cáp điện, cáp viễn thông ở các trục đường trung tâm, khu đô thị mới gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng “thành phố thông minh” tạo sự tiện ích, thụ hưởng cho người dân.

- Xin cảm ơn ông!

THOẠI PHƯƠNG (thực hiện)